Số sàn và số tự động, loại xe nào tốn xăng hơn?
Thứ tư 27/11/2019 19:56 GMT+7Hộp số tự động cổ điển ra đời vào năm 1932, và cấu tạo chỉ với 4 cấp số
Trước khi đi sâu vào vấn đề tiêu hao nhiên liệu của xe số tự động cũng như xe số sàn, cần phân biệt hộp số tự động cổ điển và hiện đại.
Hộp số tự động cổ điển
Hộp số tự động ra đời vào năm 1932 và cấu tạo chỉ với 4 cấp số. Hộp số này mang lại nhiều đột phá vào thời điểm đó khi tự động chuyển số, giải phóng người lái khỏi chân côn và cần số. Từ đó, việc lái xe trở nên thoải mái và tiện nghi hơn nhiều so với hộp số sàn.
Tuy nhiên, hộp số tự động 4 cấp lại thiếu 1 cấp số so với hộp số sàn 5 cấp. Do đó, ở cùng tốc độ di chuyển, vòng tua động cơ trên hộp số tự động 4 cấp luôn cao hơn so với hộp số sàn 5 cấp. Động cơ hoạt động kém hiệu quả và tiêu hao nhiên liệu hơn trong khi gia tốc tối đa của số tự động cũng không vượt trội so với số sàn.
Suốt thời gian dài, tốc độ giao thông thấp, cơ sở hạ tầng ở các nước sử dụng ô tô cũng chưa phát triển. Do đó, các nhà sản xuất ô tô cũng không chú trọng cải tiến nâng cấp số trên hộp số tự động. Những nghiên cứu nếu có cũng chỉ hướng đến cải thiện khả năng làm việc, mang đến trải nghiệm êm ái hơn cho loại hộp số này.
Chính điều này vô tình làm quan điểm hộp số tự động “tốn xăng” hơn đi sâu vào tiềm thức của người sử dụng.
Hộp số tự động hiện đại với nhiều cấp đang dần thay thế hộp số sàn trên thị trường ô tô
Hộp số tự động hiện đại
Những năm đầu của thế kỷ 20, các nhà sản xuất ô tô bắt đầu tập trung nghiên cứu và thương mại hóa hộp số tự động nhiều cấp ra thị trường. BMW và ZF là hai công ty tiên phong khi áp dụng hộp số tự động 6 cấp ZF 6HP26 trên BMW Series 7 vào năm 2002. Mercedes-Benz cũng nhanh chóng phát triển hộp số tự động 7 cấp chỉ sau đó 1 năm. Toyota là hãng xe Châu Á đầu tiên đi theo làn sóng này khi trang bị hộp số tự động 8 cấp trên Lexus LS 460 năm 2007…
Hộp số tự động nhiều cấp hơn giúp tỉ số truyền phân phối hài hòa hơn giữa các cấp số, từ đó giảm độ trễ khi chuyển số, xe vận hành mượt mà, êm ái hơn. Không những vậy, hộp số nhiều cấp còn giúp xe có thể di chuyển ở tốc độ cao nhưng tại vòng tua động cơ thấp hơn đáng kể so với hộp số sàn 5 – 6 cấp.
Từ đó, động cơ sử dụng công suất hiệu quả hơn, hộp số tự động tiết kiệm năng lượng và nhiên liệu hơn hộp số sàn truyền thống. Ngoài ra, hộp số tự động cũng giúp các nhà sản xuất ô tô dễ dàng thiết lập các chế độ vận hành Drive Mode khác nhau, mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng.
Ford Everest 2018 được trang bị hộp số tự động 10 cấp, nhiều cấp nhất hiện nay
Chính những ưu điểm đó mà hộp số tự động nhiều cấp đang dần thay thế hộp số sàn trên thị trường ô tô. Ford, General Motor và Toyota đang dẫn đầu với hộp số tự động 10 cấp, được trang bị trên Ford F-150, Everest, Ranger, Lexus LC, Cadillac Escalade, Chevrolet Camaro… Danh mục sản phẩm của các nhà sản xuất ô tô hạng sang cũng vắng bóng phiên bản hộp số sàn. Chỉ một vài mẫu xe hiệu năng cao còn được tùy chọn loại hộp số này như BMW M2 Coupe, Genesis G70…
Hộp số sàn vẫn mang lại hiệu quả riêng đối với các mẫu xe phổ thông giá rẻ
Trên các mẫu xe phổ thông giá rẻ, hộp số sàn vẫn được duy trì bởi tính hiệu quả mang lại. Nhưng dù ở phân khúc này, hộp số sàn cũng chịu sự cạnh tranh không nhỏ từ hộp số vô cấp, vốn tiện dụng như hộp số tự động nhưng không kém hiệu quả so với hộp số sàn.
Tóm lại, quan điểm hộp số tự động “tốn xăng” hơn hộp số sàn không còn chính xác với hộp số tự động nhiều cấp. Tuy nhiên, ở phân khúc xe phổ thông với hộp số tự động 4 – 5 cấp, quan điểm trên vẫn tương đối chính xác.
Theo Báo Giao thông