HOTLINE: +84 913.135.453

Những kỹ năng lái xe số sàn bạn có thể nhầm

Autopress.vn - Côn trước phanh sau hay ngược lại, số sàn tiết kiệm xăng hơn số tự động hay không là vấn đề người đi xe số sàn thắc mắc.

1. Khi cần giảm tốc dừng xe nên thao tác thế nào an toàn nhất?

Rà phanh trước khi âm côn.

Thói quen côn trước, phanh sau hay gặp nhất ở những tài xế mới, nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở cả những tài già, nguyên nhân là thói quen hoặc sợ chết máy.

Khi cắt côn ở tốc độ cao, xe không còn được hãm bởi động cơ, do đó chỉ lăn theo quán tính khiến xe chạy nhanh hơn, giảm độ bám đường của lốp đồng thời khiến thời gian và quãng đường phanh đều tăng lên, gây nguy hiểm cho những trường hợp cần dừng nhanh. Vì thế cần phanh trước, tới khi cảm thấy xe sắp dừng hẳn thì mới đạp côn để tránh chết máy.

Trường hợp cần phanh gấp chỉ nên dùng phanh. Phản xạ của nhiều tài xế là đạp đồng thời lút cán cả phanh và côn, nhưng như vậy chỉ làm giảm tác dụng phanh như giải thích ở trên. Do đó, lúc này việc cần làm duy nhất của tài xế là đạp lút phanh, thậm chí xác định xe có thể chết máy, nhưng "chết người nguy hiểm hơn chết máy".

Với trường hợp tốc độ thấp, việc đạp côn trước hay sau không ảnh hưởng nhiều đến quãng đường phanh dừng, tuy nhiên nếu đạp côn trước nhiều sẽ tạo thành thói quen, ảnh hưởng xấu khi dừng từ lúc xe đang chạy nhanh.

2. Xe số sàn luôn tiết kiệm xăng hơn xe số tự động?

Xe số sàn không phải lúc nào cũng tiết kiệm hơn xe số tự động. 

Quan niệm đi xe số sàn tiết kiệm hơn xe số tự động chỉ đúng ở giai đoạn trước, khi xe số tự động còn chưa phổ biến, công nghệ mới nên ăn xăng hơn. Nhưng hiện nay, xe số tự động chiếm phần lớn, công nghệ liên tục cải tiến, khiến mức tiêu thụ ngang bằng thậm chí ít hơn với chiếc xe lắp số sàn tương ứng.

Xe có tiết kiệm nhiên liệu hay không còn nằm ở kỹ năng điều khiển. Với số sàn, cần đi ở số hợp lý, chăm chuyển số để giữ độ bền động cơ. Nếu kỹ năng lái xe không thành thục, thì hộp số nào cũng tốn nhiên liệu như nhau.

3. Khi vào cua hoặc đổ dốc nên cắt côn để tiết kiệm xăng?

Khi vào cua hoặc đổ dốc, không được cắt côn.

Khi cắt côn, xe chỉ chạy theo quán tính mà không bị hãm bởi động cơ, do đó cảm giác xe chạy mượt mà, đánh một "lèo" khi qua cua, khiến nhiều tài xế ưa thích. Tuy nhiên, đây lại là thói quen nguy hiểm.

Khi chỉ còn lăn bánh theo quán tính xe sẽ trôi nhanh hơn, đòi hỏi quãng đường phanh lớn hơn, tài xế khó kiểm soát tốc độ nếu đánh lái thừa hoặc thiếu. Bên cạnh đó, bánh xe giảm độ bám đường khiến tăng rủi ro mất lái.

Tất nhiên, khi vào những cua rất gắt, phải chạy ở số thấp kết hợp chân côn đều đặn thì việc cắt, nhả côn là tùy địa hình.

4. Đổ đèo nên đi ở số nào?

Đổ đèo đi ở số thấp, tùy độ dốc.

Nguyên tắc là lên số nào, xuống số đó. Vì thế nếu lên đèo bằng số 3 thì xuống đèo cũng bằng số 3. Sử dụng số thấp để xe phanh động cơ, giảm tốc chủ động, không cần can thiệp nhiều bằng phanh, giảm áp lực cho phanh. 

Nếu để số cao và thả dốc, xe lao đi rất nhanh, buộc tài xế rà phanh liên tục. Nếu quãng đường kéo dài, có thể khiến phanh cháy đỏ, mất tác dụng ma sát hoặc thủy lực.

5. Nếu không dừng lại thì không cần chuyển về số thấp?

Dù không dừng lại thì tài xế cùng cần chuyển số linh hoạt. 

Một nhược điểm của nhiều người đi xe số sàn là lười chuyển số. Trên cả quãng đường dài có lúc nhanh, chậm, có khi cần vượt nhưng tài xế vẫn chỉ để xe chạy ở cấp số cao ví dụ như 5 hoặc 6. Khi xe chạy chậm do chướng ngại vật, cần đà vượt cần chuyển về số thấp để lấy đà. Nếu để xe chạy ở số cao khi tốc độ thấp, về lâu dài khiến côn nhanh mòn và động cơ luôn phải làm việc quá tải.

Nhiều người mua xe số sàn cũ thường nhìn vào đầu cần số, nếu đầu này chai có thể thấy rằng chủ cũ biết cách sử dụng số sàn hợp lý, chất lượng động cơ, hộp số còn tốt.

6. Khi vào cua gắt phải chạy chậm, nên trả số lúc nào?

Về số trước khi vào cua.

Khi vào cua gắt buộc phải chạy chậm, nhiều tài xế lười trả số nên chỉ giảm tốc bằng phanh, khiến xe không có sức kéo khi cần đạp ga để thoát cua. Nên trả về số thấp trước khi vào cua, vừa giúp phanh động cơ, xe bám đường đồng thời sẵn sàng lực kéo để đạp ga thoát khỏi cua nhanh nhất. 

Nếu vào cua xong mới về số để đạp ga chạy tiếp sẽ tốn thời gian hơn vì lúc này xe cần lấy đà trở lại. Đồng thời, duy trì tốc độ thấp ở số cao trong cua gây hại cho côn, động cơ và tài xế cũng mất thế chủ động khi gặp các tình huống bất ngờ.

Tuấn Nam

Theo VnExpress

KÉO TIẾP ĐỂ XEM NỘI DUNG ...

Thoát