Những công nghệ an toàn cứu cánh cho lái xe trong mùa mưa
Thứ tư 05/08/2020 1:30 PM GMT+7Lái xe trong mưa luôn là một thử thách đối với các tài xế, đặc biệt là những lái mới khi điều khiến đường xá trở nên trơn trượt hoặc ngập úng.
Bên cạnh những mẹo lái xe trời mưa như lái xe với tốc độ chậm, bật đèn pha, tránh đường ngập nước hay kiểm tra kĩ lưỡng cần gạt nước và bánh xe trước khi khởi hành, các tài xế cũng nên tận dụng những công nghệ trên xe nhằm đảm bảo an toàn cho chuyến đi của mình.
Cảm biến gạt mưa tự động (Rain Sesing Wipers
Đây là tính năng đơn giản nhưng lại không thể thiếu của các tài xế trong những ngày mưa gió. Dựa trên cơ chế nhận diện sự thay đổi ánh sáng chiếu qua kính chắn gió, cảm biến gạt mưa tự động sẽ điều khiển motor gạt để làm sạch nước và vết bẩn trên kính chắn gió phía trước, giúp đảm bảo tối ưu tầm nhìn cũng như sự tập trung của tài xế khi lái xe.
Nguyên lí hoạt động của cảm biến gạt mưa tự động (Ảnh: Glass Engineers)
Hệ thống chống bó cứng phanh (Anti-lock Braking System)
Trên thực tế, nhiều người dùng khó có thể nhận biết được sự khác biệt khi lái chiếc xe có hệ thống chống bó cứng phanh và chiếc xe không được trang bị hệ thống này. Tuy nhiên, vào những ngày trời mưa, đường trơn trượt, hệ thống này lại là giải pháp an toàn tối ưu của các tài xế.
Thông qua những cảm biến tốc độ, hệ thống này sẽ thu thập tín hiệu quay của bánh xe và từ đó điều khiển phanh phù hợp với tốc độ di chuyển để xe không bị trượt bánh. Nhờ đó, khi phanh gấp trong những trường hợp bất ngờ, phanh xe sẽ không bị xiết hay bó cứng, giúp người lái có thể chuyển hướng dễ dàng và vượt qua các chướng ngại vật một cách an toàn.
Hệ thống chống bó cứng phanh giúp tài xế có thể chuyển hướng dễ dàng (Ảnh: Motion Cars)
Cảnh báo va chạm phía trước (Forward Collision Alert)
Tính năng cảnh báo va chạm phía trước hay còn gọi là Forward Collision Alert (FCA) là một trong những công nghệ an toàn được nhiều tài xế khuyên dùng khi lái xe trong những ngày mưa gió. Thông qua hệ thống camera độ phân giải cao, tính năng này có thể theo dõi và đưa ra các cảnh báo bằng âm thanh và hình ảnh để giúp người lái tránh đâm vào xe phía trước. Nói cách khác, FCA giúp bạn có thể duy trì khoảng cách an toàn với các xe phía trước.
Tài xế có thể giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước nhờ tính năng FCA (Ảnh: Youtube)
Cảnh báo chệch làn đường (Lane Departure Warning)
Cảnh báo chệch làn đường sử dụng camera để nhận diện những vạch kẻ đường màu trắng hoặc vàng nhằm phân tích và đưa ra cảnh báo khi phát hiện xe chuẩn bị rời khỏi làn hiện tại khi người lái chưa bật đèn báo rẽ. Tính năng này sẽ sử dụng các âm thanh bíp, tín hiệu rung hay hình ảnh minh họa để đưa ra cảnh báo cho tài xế.
Tính năng trên có thể giúp hạn chế việc tài xế đi lệch làn đường (Ảnh: Lifewire)
Cảnh báo xe cắt ngang phía sau (Rear-Cross Traffic Alert)
Vào những ngày mưa gió, không chỉ tầm nhìn phía trước mà cả tầm nhìn phía sau và hai bên hông xe ô tô đều bị hạn chế. Đây chính là lúc các tài xế nên sử dụng tính năng cảnh báo xe phía sau. Tính năng này sử dụng các cảm biến radar để cảnh báo tài xế về các phương tiện đi ngang qua khi xe đang lùi khỏi vị trí đỗ. Nếu phát hiện có xe đang đi đến, tính năng này sẽ tự động đưa ra các cảnh báo hình ảnh và âm thanh, giúp cả hai xe tránh được những va chạm không đáng có.
Tài xế sẽ tránh được va chạm với xe khác khi đang lùi khỏi chỗ đỗ (Ảnh: Carsales)
Hệ thống đèn báo điểm mù hai bên (Side Blind Spot Indicators)
Tương tự cảnh báo xe cắt ngang phía sau, hệ thống đèn báo điểm mù hai bên cũng sử dụng các cảm biến radar để giúp người lái phát hiện ra các phương tiện khác đang di chuyển dọc theo hai bên hông xe. Khi đó, tính năng này sẽ đưa ra cảnh báo bằng biểu tượng đèn LED hiển thị trên gương ngoại thất, từ đó giúp các xe khác nhận biết và giữ khoảng cách an toàn khi di chuyển song song với nhau.
Hệ thống đèn báo hai bên cũng giúp hạn chế số lượng các vụ tai nạn (Ảnh: Cartech)
Theo Vietnamnet