Giá ô tô trong nước sắp giảm nhờ giảm thuế linh kiện?
Thứ bảy 30/11/2019 02:31 GMT+7Đó là thông tin đáng chú ý được đưa ra tại diễn đàn công nghiệp hỗ trợ với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất ô tô toàn cầu” diễn ra hôm nay, 28.11, do Bộ Công thương cùng Báo Tuổi trẻ tổ chức.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay, với những giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thời gian qua của Chính phủ, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam đang từng bước gia tăng tỷ lệ nội địa hóa của một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước; số lượng doanh nghiệp tham gia hoạt động trong ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô gia tăng liên tục và đặc biệt là đã có một số sản phẩm công nghiệp ô tô đã xuất khẩu.
Dù vậy, ông Hải cũng thẳng thắn nhìn nhận vào hạn chế khi doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển còn chậm cả về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực. Tỷ lệ nội địa hóa xe cá nhân dưới 9 chỗ ngồi còn thấp. Giá thành sản xuất ô tô còn cao nên việc cạnh tranh với các hãng lớn, nhất là xe nhập khẩu là rất khó khăn.
Do vậy, theo các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp, cần có chính sách giảm thuế để hỗ trợ xe sản xuất lắp ráp cạnh tranh.
Ông Phạm Văn Tài, Tổng giám đốc Tập đoàn Trường Hải (Thaco), cho rằng thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc đã về 0% từ năm 2018, nhưng chính sách thuế đối với linh kiện lại không giảm tương ứng thì sẽ khó giảm giá thành xe sản xuất trong nước. Cho nên, đại diện Thaco đề nghị Chính phủ sớm xem xét giảm thuế nguyên liệu để sản xuất linh kiện, vật tư ô tô về 0% cũng như sớm xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các linh kiện, phụ tùng sản xuất trong nước. “Khi giảm thuế này, chắc chắn tỷ lệ nội địa hóa xe trong nước sẽ tăng và giúp giá xe giảm”, ông Tài nói.
Theo đại diện Công ty Toyota Việt Nam, hiện giá thành sản xuất, lắp ráp trong nước cao hơn 20%, trong đó, chủ yếu do chi phí linh kiện cao (20 - 30%). “Nếu là linh kiện nhập khẩu thì chi phí vận chuyển, đóng gói mất thêm 20%. Nhưng với những linh kiện trong nước sản xuất được thì cũng rất đắt, như nắp bình xăng giá thành trong nước làm đắt gấp đôi giá nhập khẩu nên đành phải dùng hàng nhập”, vị này nói.
Sẽ đề xuất giảm thuế linh kiện trong nước chưa làm được
Trong khi đó, ông Bùi Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng, cho rằng không chỉ phải xem lại thuế nhập khẩu linh kiện, mà cần xem xét cả chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế đất cho doanh nghiệp sản xuất ô tô. “Đối với thị trường, nên có chính sách như thế nào đối với người tiêu dùng, bởi nếu chúng ta xác định người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì phải xem xét lại chính sách lệ phí trước bạ”, ông Hải đề xuất.
Phúc đáp kiến nghị về thuế, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho rằng không thể giảm ngay thuế nhập khẩu tất cả linh kiện về 0% bởi làm vậy thì chúng ta mất đi hàng rào bảo hộ với các linh kiện mà trong nước đã sản xuất được.
Do vậy, theo bà Hằng, trong tháng 12 tới, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 125, với nội dung dự kiến là đề xuất giảm thuế nhập khẩu về 0% với những linh kiện mà trong nước chưa sản xuất được, với thời gian thực hiện ưu đãi trong 5 năm.
Tuy nhiên, bà Hằng nói thêm rằng, mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn xin ý kiến các bộ, ngành về báo cáo toàn diện chính sách cho ngành công nghiệp ô tô hiện nay. Qua đó có thể khẳng định lại rằng hệ thống chính sách thuế với ngành ô tô đã có sự ưu đãi, thể hiện sự quan tâm theo đúng định hướng Chính phủ.
Theo Thanh Niên