2019: Ô tô con được đà giảm giá mạnh, riêng dòng xe này lập tức tăng lên
Thứ hai 31/12/2018 4:00 PM GMT+7Tại Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi bổ sung, Bộ Tài chính đã đề xuất áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe bán tải (pick up) bằng 60% xe ô tô dưới 9 chỗ, cùng dung tích xi lanh. Năm 2019, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi bổ sung, như vậy giá xe pick up dự báo sẽ đồng loạt tăng.
Xe pick up nhập khẩu từ khu vực ASEAN về Việt Nam đang phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 15%, 20% và 25%.Với đề nghị của Bộ Tài chính, thuế tiêu thụ đặc biệt dành cho xe pick up sẽ tăng lên 3 mức mới là 30%, 33% và 54% (tùy dung tích xi lanh).
Theo tính toán của các DN, xe có dung tích xi lanh từ 2.0-3.0L sẽ tăng khoảng 7-8% và xe có dung tích xi lanh trên 3.0L tăng khoảng 15%. Như vậy, một chiếc xe dung tích xi lanh từ 2.0-3.0L có giá bán 600-800 triệu đồng sẽ tăng thêm khoảng 40-64 triệu đồng; xe có dung tích xi lanh 3.2L giá bán 900 triệu sẽ tăng thêm khoảng 135 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng lệ phí trước bạ đối với xe pick up chở hàng dưới 1,5 tấn và 5 chỗ trở xuống. Cụ thể, lệ phí trước bạ đối xe bán tải đăng ký lần đầu tiên sẽ tăng lên bằng 60% lệ phí trước bạ của dòng xe con.
Đề xuất này sẽ được Chính phủ thông qua và áp dụng từ năm 2019, đồng nghĩa với chi phí để sở hữu xe pick up sẽ tăng lên. Ví dụ: một chiếc bán tải có giá 650 triệu đồng, người mua sẽ phải đóng lệ phí từ 39-58 triệu đồng, thay vì chỉ nộp 13 triệu đồng như năm 2018.
Xe con giảm giá?
Trong khi đó, ô tô sản xuất lắp ráp trong nước đứng trước cơ hội giảm giá nếu được ưu đãi miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với phần linh kiện nội địa hóa. Các cơ quan chức năng đã đề xuất miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với phần linh kiện ô tô sản xuất trong nước. Khi thuế giảm sẽ giúp giá xe giảm.
Theo tính toán, một chiếc xe lắp ráp trong nước có tỷ lệ nội địa hóa 20% có giá bán 600 triệu đồng, mức giảm giá từ 10-12%. Nếu tỷ lệ nội địa hóa đạt 40% thì mức giảm giá lên tới 15-20%.
Trong khi đó, xe nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN về Việt Nam đã được hưởng thuế 0%. Theo tính toán, giá xe sẽ giảm từ 20-23% nhưng thời gian qua chỉ giảm 10-15%. Xe sản xuất lắp ráp trong nước giảm giá sẽ tạo cạnh tranh khiến giá xe nhập khẩu cũng phải giảm theo.
Trong khi đó, giá xe con có nhiều cơ hội giảm giá
Cùng với đó, xe nhập khẩu từ châu Âu cũng có cơ hội giảm giá khi thuế nhập khẩu giảm. Năm 2019, dự kiến Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ được phê duyệt và có hiệu lực. Theo cam kết của Việt Nam trong EVFTA, ô tô con sẽ giảm thuế về 0% trong vòng 10 năm.
Hiện ô tô con từ châu Âu nhập khẩu về Việt Nam phải chịu thuế suất từ 70-78% tùy loại. Khi EVFTA có hiệu lực, việc giảm thuế cũng có hiệu lực ngay. Với 10 năm thuế về mức 0% thì bình quân một năm sẽ phải giảm 7%. Theo dự tính, năm 2019 xe nhập khẩu từ châu Âu về Việt Nam sẽ giảm thuế 7% và giá xe có điều kiện giảm.
Chẳng hạn, một chiếc xe nhập từ châu Âu, động cơ 2.0L, có giá khai báo 30.000 USD đang phải chịu thuế nhập khẩu 78%. Nếu giảm thuế 7%, giá sẽ giảm 2.100 USD. Tuy nhiên, do thuế chồng thuế nên tính ra, số tiền giảm được tới hơn 3.000 USD (khoảng 70 triệu đồng). Xe siêu sang hay siêu xe sẽ được hưởng lợi lớn. Một chiếc siêu sang nhập khẩu có giá khai báo 300.000 USD thì mức giảm là trên 30.000 USD.
Những ẩn số
Tuy nhiên, năm 2019, vẫn còn những yếu tố khiến giá xe khó giảm. Với ô tô trong nước, từ tháng 4/2019, các DN sản xuất sẽ phải thực hiện quy định mới tại Nghị định 116. Theo đó, phải có đường thử xe với chiều dài tối thiểu 800m, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và dây chuyền sơn đạt tiêu chuẩn. Những DN chưa đủ điều kiện phải đầu tư và chi phí được tính vào giá thành, thì khó có điều kiện giảm giá xe.
Với xe nhập khẩu, sẽ bị siết chặt. Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 116, trong đó bắt buộc phải kiểm định theo lô. Khi xe nhập về nhiều thời gian chờ kiểm định sẽ kéo dài, chi phí tăng và hạn chế xe nhập tràn vào.
Giá xe 2019 vẫn là một ẩn số
Không những thế, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chức năng, tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam, đối với ô tô nguyên chiếc nhập khẩu. Đây chính là hàng rào kỹ thuật, sẽ tạo ra rào cản nhất định, không cho xe nhập tràn về.
Về phía các DN ô tô, kinh doanh trải qua năm 2017 và 2018 đã “tỉnh” ra. Năm 2017 thị trường ô tô dư cung, tồn kho của các nhà sản xuất và hệ thống đại lý tăng rất nhiều, bán xe chỉ để cắt lỗ và giải phóng tồn kho. DN sản xuất phải đưa ra nhiều chính sách khuyến mãi, hỗ trợ,... nên lợi nhuận giảm mạnh.
Ngược lại, năm 2018 thiếu cung, hầu hết các mẫu xe bán đều có lãi. Một số mẫu xe ăn khách còn bị chênh giá từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Không những thế, nhờ tồn kho thấp, nên các chi phí tài chính cũng giảm. Dù doanh số bán giảm, nhưng lợi nhuận tăng cao hơn so với 2017.
Vậy nên chọn cách nào? Để cho cung thấp, bán xe lãi lớn, cùng với chi phí tồn kho giảm hay để dư thừa chịu tồn kho cao, rồi chỉ bán cắt lỗ và phải tăng quảng cáo, khuyến mãi, hỗ trợ,... ?
Rõ ràng, nếu các DN cứ duy trì cung thấp hơn cầu sẽ được hưởng lợi lớn. Chỉ khi nào người tiêu dùng bảo nhau ngừng mua xe, nhu cầu giảm mạnh, mới hy vọng giá giảm. Tuy nhiên, theo dự báo của các DN, năm 2019 thị trường ô tô Việt Nam sẽ tăng trưởng trên 15% so với 2018.
Theo Vietnamnet