Ô tô không lắp camera hành trình bị xử phạt như thế nào?
Thứ sáu 28/05/2021 01:25 GMT+7Để kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng ôtô phải lắp camera hành trình. Ảnh: ĐT
Nếu không thực hiện hoặc không thực hiện đúng việc lắp camera hành trình, cả người điều khiển xe và đơn vị kinh doanh vận tải sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP như sau:
- Ô tô kinh doanh vận tải hành khách không lắp camera theo quy định hoặc có lắp nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh trên xe (kể cả người lái xe) trong quá trình tham gia giao thông, sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng với người điều khiển; đơn vị kinh doanh vận tải là cá nhân thì bị phạt 5-6 triệu và buộc phải lắp camera hành trình.
Còn đơn vị kinh doanh vận tải là tổ chức thì phải nộp phạt 10-12 triệu đồng, bắt buộc phải lắp camera hành trình.
- Điều khiển ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa không lắp camera theo quy định hoặc có lắp nhưng không ghi, không lưu trữ được hình ảnh của người lái xe trong quá trình tham gia giao thông, người điều khiển sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng; cá nhân kinh doanh vận tải bị phạt 5-6 triệu và buộc phải lắp camera hành trình.
Còn đơn vị kinh doanh vận tải là tổ chức thì phải nộp phạt 10-12 triệu đồng, bắt buộc phải lắp camera hành trình.
Yêu cầu lắp camera hành trình trên xe?
Điều 8 Thông tư 12/2020/TT-BGTVT, sửa đổi bởi Thông tư 02/2021/TT-BGTVT đã hướng dẫn cụ thể yêu cầu đối với việc lắp đặt camera hành trình cho các loại xe kinh doanh vận tải nói trên. Theo đó, camera lắp trên xe phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu sau:
- Dữ liệu lưu trữ tại camera lắp trên xe dưới định dạng video theo chuẩn (MP4 hoặc H.264 hoặc H.265) và kèm thông tin tối thiểu gồm: Biển số đăng ký xe, vị trí (tọa độ), thời gian; video lưu trữ tại thẻ nhớ hoặc ổ cứng của camera với khung hình tối thiểu 10 hình/giây và có độ phân giải tối thiểu là 720p. Hình ảnh tại camera phải đảm bảo nhìn rõ trong mọi điều kiện ánh sáng;
Sau khi máy chủ của đơn vị kinh doanh vận tải nhận được dữ liệu, dữ liệu hình ảnh từ camera lắp trên xe cũng phải được truyền về máy chủ của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong thời gian không quá 2 phút. Thông tin này được sử dụng để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giao thông, quản lý hoạt động của người lái xe và phương tiện, cung cấp cho cơ quan công an để kiểm tra xử lý vi phạm.
Theo Lao Động