HOTLINE: +84 913.135.453

Những hiểu nhầm của tài xế Việt về lốp xe

Autopress.vn - Autopress - Tài xế Việt chưa có những kiến thức và đánh giá đúng về chất lượng và mức độ an toàn mà lốp xe mang tới khi vận hành.

Lốp xe là bộ phận quan trọng hàng đầu của xe vì liên kết trực tiếp xe với mặt đường, quyết định độ an toàn vận hành, ảnh hưởng tới hiệu quả của rất nhiều bộ phận và công nghệ khác trên xe. Do đó, để lái xe an toàn và hiệu quả, tài xế Việt cần nắm vững những kiến thức cơ bản về sử dụng và bảo dưỡng lốp xe như dưới đây.

Chữ R là viết tắt của Radial, chỉ loại lốp không săm có kết cấu bố thép tỏa tròn, loại dùng cho hầu hết xe con hiện nay. 17 tính bằng đơn vị inch, là đường kính của vành (la-zăng).

Phần 1. Đọc chỉ số trên lốp

Để thuận tiện cho việc hiểu ý nghĩa các chỉ số trên lốp xe, những câu hỏi sau đây dựa trên một chỉ số cụ thể là P245/65R17.

1. Chữ P ở trên được hiểu là:

Chữ P viết tắt cho Passenger Vehicle, loại lốp lắp cho xe chở người, hay còn gọi là xe con.

2. Số 245 được hiểu là:

Số 245 ở đây là 245mm, là Bề rộng của mặt lốp (được tính bằng mm).

3. Số 65 được hiểu là:

Chiều cao thành lốp bằng 65% bề rộng mặt lốp. Trong trường hợp này bề rộng mặt lốp là 215 mm nên chiều cao mặt lốp là 245 x 65% = 159.25 mm.

4. R17 thể hiện điều gì?

Chữ R là viết tắt của Radial, chỉ loại lốp không săm có kết cấu bố thép tỏa tròn, loại dùng cho hầu hết xe con hiện nay. 17 tính bằng đơn vị inch, là đường kính của vành (la-zăng).

Phần 2: Sử dụng và bảo dưỡng lốp

1. Bơm 4 lốp theo áp suất thế nào cho chuẩn:

Với xe con gia đình, hiện nay thường gặp khuyến cáo của nhà sản xuất bơm 4 lốp với áp suất bằng nhau, hoặc lốp sau cao hơn một chút so với lốp trước. Nhưng trên thực tế, bơm lốp nào căng hơn, nhiều hay ít không áp dụng chung cho tất cả các xe, còn phụ thuộc vào kết cấu dẫn động, mục đích sử dụng. 

Người dùng nên tuân thủ theo chỉ số áp suất lốp do hãng đưa ra, thường ghi ở mặt trong cánh cửa hoặc trong sách hướng dẫn. Bên cạnh đó cũng nên lưu ý, không bơm lốp khi vừa chạy quãng đường dài vì lúc này lốp bị nóng lên, khiến khí giãn nở, kết quả không chính xác khi nguội. 

Mùa đông nên bơm lốp bằng khuyến cáo, nhưng mùa hè bơm thấp hơn khuyến cáo. Ví dụ nếu khuyến cáo là 2,2 kg/cm2 thì nên bơm 2,1 kg/cm2.

2. Bao nhiêu lâu nên đảo lốp?

Thông thường với xe con cá nhân các hãng thường khuyên cáo đảo lốp sau mỗi 8.000-10.000 km, nhưng đây cũng không phải con số chung cho tất cả các loại xe. Đảo lốp còn phụ thuộc vào độ mòn lốp, tần suất chịu tải của lốp..., do đó có thể sớm hoặc muộn hơn thời điểm 10.000 km. 

Bên cạnh tuân theo quy định của nhà sản xuất thì tài xế nên kiểm tra độ mòn lốp thường xuyên trong quá trình bảo dưỡng định kỳ để kịp thời đảo lốp đúng lúc. Nếu để hoa lốp đã mòn hết mới đảo lốp tức đã muộn, có thể gây nguy hiểm trước đó.

3. Thứ tự đảo lốp bên dưới dùng cho xe nào?

Với xe cầu trước, thứ tự đảo lốp là hai bánh trước xuống dưới thẳng hàng, hai bánh sau lên trên nhưng đổi vị trí trái phải. Sơ đồ 1.

Với xe cầu sau thì ngược lại, dưới lên giữ vị trí và trên xuống đảo vị trí. Sơ đồ 2.

4. Thứ tự đảo lốp nào dùng cho xe 2 cầu chủ động?

Sơ đồ 1 dùng cho xe 2 cầu chủ động, 4 bánh đổi chéo vị trí cho nhau. Trước trái ra sau phải và ngược lại.

Sơ đồ 2 xuất hiện trong một vài năm trở lại đây, dùng cho loại lốp có cấu trúc lớp xương mành loại radial.

Sơ đồ 3 là sơ đồ đảo 5 lốp (phải) tương tự như với trường hợp xe cầu trước chủ động nhưng lốp phải sau được thay bằng lốp dự phòng.

5. Lốp tốt hơn nên dùng cho bánh trước hay bánh sau?

Hầu hết dòng xe du lịch, xe gia đình đang dùng ở Việt Nam có hệ truyền động cầu trước. Do đó, bánh trước bị mòn nhiều hơn bởi đánh lái liên tục, chịu áp lực dồn lên khi phanh để chuyển từ ma sát lăn sang ma sát trượt rồi ma sát nghỉ, đồng thời chịu mô-men lực khi đạp ga tăng tốc.

Rất nhiều tài xế cho rằng, bởi nguyên nhân này, khi thay lốp mới chất lượng tốt sẽ dùng cho bánh trước, nhưng thực tế câu trả lời là tùy từng trường hợp, nhưng tốt nhất là thay cho bánh sau.

Nguyên nhân nằm ở khả năng bám đường của lốp. Nếu luôn chạy trong mặt đường bằng phẳng, tốc độ vừa phải, thời tiết khô ráo, ít đánh lái thì lốp tốt thay vào bánh nào không quan trọng. Nhưng thực tế, các tài xế phải chạy cả khi trời mưa, đường trơn trượt và đánh lái nhiều.

Theo chuyên gia của Bridgestone Việt Nam, khi chạy tốc độ cao trên cao tốc, hoặc đường quốc lộ, đường sương mù hoặc mưa gây trơn trượt, khi đánh lái theo cua hoặc phanh, lực sẽ dồn lên bánh trước, lúc này nếu lốp sau mòn, khả năng bám đường kém sẽ gây trượt, quăng đuôi thậm chí là quay tròn tại chỗ, rất nguy hiểm.

Khi lốp mòn, bề mặt cao su không có độ nhám, dễ trượt. Bên cạnh đó, khi gặp mưa, lốp sau mòn không có nhiều rãnh nên không thể thoát nước nhanh, nước lúc này tạo thành một lớp ngăn cách tiếp xúc của bánh xe với mặt đường, giảm độ bám đường.

6. Lốp dự phòng luôn giống hệt lốp đang chạy?

Tùy vào cách thiết kế của từng hãng. Có loại xe lốp dự phòng giống hệt những lốp đang chạy từ  thiết kế tới áp suất. Nhưng cũng có những loại xe lốp dự phòng nhỏ hơn, mỏng hơn, áp suất thấp hơn. Cách làm này nhằm tiết kiệm chi phí, giảm không gian chứa lốp dự phòng cũng như để tài xế không "ỷ lại" vào lốp dự phòng. Những lốp dự phòng này giúp tài xế chạy quãng đường giới hạn sau đó cần sửa lốp chính.

7. Góc chụm bánh xe có ảnh hưởng tới độ mòn lốp?

Góc chụm không đều khiến tiết diện tiếp xúc của lốp xuống mặt đường không đều giữa các bánh, gây hiện tượng mòn má trong hoặc mòn má ngoài của lốp. Khi góc chụm không đều, tài xế rất khó điều khiển xe ở tốc độ cao, xe luôn có xu hướng lệch sang một bên mà không chạy trên đường thẳng. 

Tài xế cần mang xe đi bảo dưỡng, cân chỉnh lại bánh bằng máy móc chuyên dụng.

Tuấn Nam

Theo VnExpress

KÉO TIẾP ĐỂ XEM NỘI DUNG ...

Thoát