Ngành công nghiệp ô tô: Cần gắn vào chuỗi giá trị của khu vực và toàn cầu
Thứ sáu 26/06/2020 03:34 GMT+7Ông Lương Đức Toàn- Phó trưởng phòng Công nghiệp chế biến chế tạo-Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương)
Kể từ sau dịp Tết Nguyên đán 2020, hoạt động kinh doanh ô tô ở Việt Nam đã rơi vào tình trạng “hãm phanh”, tốc độ chậm dần, tiếp sau đó là bị đóng băng do ảnh hưởng của dịch Covid-9. Sức mua sụt giảm sau Tết là tất yếu, tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng của dịch khiến người tiêu dùng không thực sự mặn mà với ô tô, bất chấp các nhà sản xuất đã đưa ra những chương trình khuyến mãi chưa từng có.
Theo số liệu từ Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của toàn thị trường trong 4 tháng đầu năm đã giảm khoảng hơn 36% với cùng kỳ năm 2019. Tới hết tháng 5/2020 vẫn không có dấu hiệu khả quan. Theo dự báo trong 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng ô tô toàn ngành có thể giảm gần 27% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện thị trường ô tô Việt Nam đang mất dần lợi thế do lượng xe nhập khẩu ngày càng tăng, điều này trực tiếp ảnh hưởng đến mảng xe lắp ráp trong nước. Theo ông, những thách thức căn bản đối với ngành ô tô trong nước hiện nay là gì?
Đối với ngành ô tô Việt Nam trong thời gian tới, trước mắt chúng ta sẽ gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm ô tô nhập khẩu của các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Đặc biệt, trong thời gian từ 7-10 năm tới, ngành ô tô Việt Nam cũng gặp phải sự cạnh tranh lớn với các sản phẩm ô tô đến từ các quốc gia thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được Quốc hội thông qua.
Hiện tại ô tô sản xuất trong nước đang gặp phải hai bất lợi chính so với ô tô nhập khẩu. Thứ nhất, giá thành ô tô sản xuất trong nước đang cao hơn từ 10-20% so với ô tô của các nước nhập khẩu trong khu vực (chủ yếu là do sản lượng nội địa thấp, công nghiệp hỗ trợ kém phát triển). Thứ hai, phần đông người tiêu dùng Việt thường chuộng các sản phẩm nhập ngoại hơn là các sản phẩm sản xuất trong nước. Cụ thể, năm 2019 cả nước đã nhập khẩu khoảng 40.301 ô tô nguyên chiếc các loại và tăng 1,3% so với năm 2019, điều này đã tạo sức ép vô cùng lớn đối với các ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trong những năm tới, kim ngạch nhập khẩu ô tô sẽ tiếp tục tăng, do nhu cầu sử dụng ngày càng cao sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành ô tô sản xuất, cũng như thương mại trong nước. Bên cạnh đó, Thái Lan và Indonesia đang trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới. Điều này cũng tạo sức ép về việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp lên ngành ô tô của Việt Nam.
Theo dự báo của VAMA, trong năm 2020 toàn thị trường có thể sụt giảm 15% doanh số so với dự báo trước đó. Trước bối cảnh đó ngành ô tô đã có những đề xuất hỗ trợ cho các doanh nghiệp ô tô: Giảm 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng mua ô tô sản xuất lắp ráp trong nước để kích cầu tiêu dùng trong thời gian dịch bệnh. Việc giảm 50% phí trước bạ được kỳ vọng sẽ giúp người tiêu dùng tăng việc mua xe.Nhằm “cứu” doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước khỏi tình trạng ảm đạm và tạo lực đẩy cho công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển ổn định, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành nhiều giải pháp giãn thuế, giảm phí giúp kích cầu thị trường, cụ thể các giải pháp này như thế nào, thưa ông?
Hiện tại thị trường ô tô Việt Nam có rất nhiều mẫu xe được lắp ráp trong nước đang ăn khách, có những xe có giá trị bán ra hàng tỉ đồng. Khi chính sách này được thông qua, người tiêu dùng có thể được lợi từ 200-300 triệu đồng/xe, với những dòng xe cao cấp nhất. Và bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã đề xuất trình Chính phủ xem xét gia hạn thời hạn nộp Thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước để giúp các doanh nghiệp nội địa khắc phục được khó khăn về mặt tài chính.
Thưa ông, hiện nay tỷ lệ nội địa hoá đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi cũng thấp hơn mục tiêu đề ra và ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới chỉ tham gia vào phân khúc thấp của chuỗi giá trị ngành. Vậy để tạo đà cho ngành ô tô phát triển, cần những điều kiện gì, thưa ông?
Mặc dù ngành sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn chưa đạt được tiêu chí của một ngành sản xuất ô tô thực sự. Phần lớn các doanh nghiệp trong nước hiện chỉ thực hiện mức độ lắp ráp đơn giản với dây chuyền sản xuất gồm 4 công đoạn chính: Hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra. Chỉ có một số doanh nghiệp như Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và Kinh doanh VinFast hay Công ty Honda Việt Nam có thực hiện công đoạn là lắp ráp thêm động cơ.
Ngoài ra, công nghiệp hỗ trợ trong ngành ô tô Việt Nam vẫn còn rất nhiều hạn chế. Hiện tại, Việt Nam chỉ có một số rất ít các nhà cung ứng tham gia được chuỗi giá trị của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô. So với Thái Lan có 700 nhà cung ứng cấp 1 thì Việt Nam chỉ có chưa đến 100. Tỉ lệ nội địa hóa đối với các dòng xe 9 chỗ ngồi còn thấp, tối đa 10%, thấp so với mục tiêu đã đề ra và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực.
Một trong những khó khăn nữa là hiện tại các phụ tùng linh kiện ô tô được sản tại Việt Nam thì chủ yếu là xăm, lốp, bánh ô tô, các loại ghế ngồi đơn giản. Và liên quan đến vật liệu, các loại nhựa, chất dẻo, hóa chất để phục vụ sản xuất hiện chúng ta đều phải nhập khẩu từ các nước. Do đó, không tạo được sự chủ động trong sản xuất linh kiện cho việc lắp ráp trong nước.
Do vậy, điều kiện tiên quyết để tạo đà phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước là phải có một hành lang pháp lý đủ rộng giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư lâu dài. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam cũng cần phải gắn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu nhằm tận dụng những ưu thế trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Xin cảm ơn ông!
Theo Báo Công thương