Dựa vào đâu BYD chi phối thế giới
Thứ sáu 17/05/2024 03:54 GMT+7Ở Trung Quốc không ai không biết hãng xe Geely nổi tiếng giầu có và mạnh ra sao với quyền sở hữu cả Volvo, mua cả phần vốn Mercedes-Benz, Proton, Renault. Họ cũng tạo ra những thương hiệu xe sang riêng bán khắp thế giới. Bên cạnh Geely còn có những hãng xe lớn như SAIC, GWM.. liên doanh với mọi tập đoàn hàng đầu thế giới từ Volkswagen AG, Ford, Toyota, Honda, BMW.. và General Motors. Nhưng khi trào lưu xe xanh - điện bùng nổ, BYD đã vượt lên tất cả với doanh số tới 3 triệu xe năm 2023, chiếm 1/3 doanh số cả nước, trong đó xuất khẩu thế giới cũng tăng chóng mặt từng năm. Mới đây nhất, chính quyền Mỹ buộc phải dựng cả hàng rào thuế nhập khẩu 100% đánh vào xe Trung Quốc.
Đáng lưu ý, BYD cho thấy họ không chỉ muốn là hãng sản xuất ô tô. Họ đang định vị mình là một tập đoàn công nghiệp đi đầu trong các giải pháp di chuyển và năng lượng, chi phối toàn cầu về công nghệ xanh. Mục tiêu của BYD được tuyên bố rõ ràng: Họ muốn hạ bớt 1oC nền nhiệt góp phần giảm bớt tác hại biến đổi khí hậu.
Với nguồn lực mạnh về cả công nghệ và tài chính, Tuyên ngôn bảo vệ Thế giới và khả năng chi phối toàn cầu của BYD đến từ quyền sở hữu rộng khắp; cung ứng pin điện, mô-đun năng lượng mặt trời, hạ tầng điện, xe xanh, xe buýt điện, xe tải và tầu điện cao tốc cho đến các giải pháp hạ tầng dịch chuyển, giao thông công cộng..
Liệu BYD đang quá sức hay có thực lực thực sự?
BYD và người sáng lập Wang Chuanfu có lý do để tự tin. Họ đang cạnh tranh và vượt dần Tesla để trở thành hãng xe điện thống trị thế giới. BYD có tiềm lực trong mảng xe plug-in hybrid và xe điện bởi BYD nắm giữ động lực chính của xe “Xanh” - Pin điện giá rẻ và Trí tuệ nhân tạo, phần mềm điều khiển kết nối các hệ thống giao thông và năng lượng.
Đằng sau BYD không những là các chính sách “môi trường” của chính phủ Trung Quốc, còn các quỹ đầu tư chi phối thế giới như Snow Bull Capital, hay Berkshire Hathaway của trùm W.Buffett. Sức mạnh tài chính của BYD hiện được ghi nhận với doanh thu 602,3 tỷ Rmb (83,2 tỷ USD) năm 2023, đánh dấu mức tăng gấp 5 lần so với 121,8 tỷ Rmb vào năm 2018.
Sức mạnh của BYD phải nhìn ngược lại từ năm 1995, khi nó được thành lập bởi Ông Wang – nhà khoa học ngành hóa kim, và sản phẩm BYD tự làm ra là Pin lithium sạc, sử dụng trong điện thoại di động cung cấp cho Siemens, Motorola và Nokia. Sau đó là các dòng pin lớn hơn dùng trong công nghiệp lưu trữ, cũng như ô tô điện và xe buýt. Tiếp đến là các chi tiết vật liệu lắp ráp hoàn thiện, thậm chí cả nguyên vật liệu ngành hóa nhựa.. Sau này BYD mở rộng tới gần như hầu hết ngành công nghiệp năng lượng, viễn thông điện tử và giao thông. Điều đáng chú ý là mọi sản phẩm kể trên đều do chính BYD sáng chế và sản xuất, họ sở hữu quyền và công nghệ, tự chủ về sản xuất và giá thành.
BYD có thứ “vũ khí” để không đối thủ nào gây khó, là mô hình tích hợp theo chiều dọc, tự chủ và kiểm soát chuỗi cung ứng từ khai khoáng sản đến sản xuất pin, chip máy tính, phần mềm điều khiển, vật liệu nhựa tổng hợp, khuôn mẫu được sử dụng trong điện tử và xe cộ, vận tải kho bãi, và phân phối..v.v Trong ngành sản xuất công nghiệp, đây là quy mô của các tập đoàn đẳng cấp thế giới. Riêng trong thế giới xe điện, BYD đã thiết lập một quy trình làm chủ công nghệ từ các mỏ lithium và niken cho đến pin thành phẩm.
Sức mạnh của BYD từ nhà sản xuất pin đến xe điện và công nghệ plug-in hybrid có thể nói đều nhờ năng lực R&D nghiên cứu và sáng tạo khoa học – BYD không giàu nhờ đi “buôn”. Hầu hết chi tiêu cho R&D của họ luôn được ưu tiên. Năm 2019, công ty có thu nhập ròng 1,6 tỷ nhân dân tệ nhưng đã đầu tư hơn 8 tỷ nhân dân tệ vào R&D. Mọi kết cấu khung gầm đều do BYD tự chế tạo với các ưu điểm vượt trội.
Hiện tại ngoài loại Pin xe điện độc quyền “Blade” vốn bền nhẹ, siêu chịu va đập không cháy nổ và rẻ. BYD còn sắp cho ra mắt pin Blade thế hệ mới với tầm hoạt động lên đến 1.000 km/lần sạc! Họ còn có nền tảng Hybrid “DM-i” trái ngược với Hybrid phổ biến hiện nay ở đặc điểm lấy động cơ điện làm hoạt động chính, khiến xe Hybrid của BYD vô cùng tiết kiệm và mạnh.
Thế hệ thứ tư của công nghệ DM-i cho phép xe chạy bằng pin điện cho đến khi cạn kiệt, lúc đó động cơ xăng sẽ khởi động, bỏ qua nỗi lo về phạm vi lái xe, trở thành một cú vượt mặt kiểu Hybrid chỉ dùng điện làm công suất hỗ trợ ở các hãng xe khác..
Bridget McCarthy, người đứng đầu quỹ Snow Bull Capital đầu tư vào BYD, cho biết: “Tham vọng lớn hơn của BYD là trở thành một công ty kiểm soát hệ sinh thái năng lượng”. “Họ đang cố gắng nói rằng chúng tôi sẽ điện khí hóa việc di chuyển của bạn, chúng tôi sẽ cung cấp xe/tàu, bộ lưu trữ năng lượng, năng lượng mặt trời, trạm cấp và truyền tải để bạn có thể tạo ra điện”.
Chủ tịch BYD – ông Wang Chuanfu, hồi tháng 3 đã tuyên bố rằng BYD nhìn thấy cơ hội trên khắp Đông Nam Á, Nam Mỹ, Trung Đông và Châu Âu. Và xác nhận kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất của công ty ở những thị trường đó. BYD đã cam kết sẽ “đi ra toàn cầu”! Ông Wang cũng cho biết thêm rằng Trung Quốc đã “xây dựng một chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh với khả năng phục hồi và khả năng cạnh tranh cao”.
BYD đã chính thức là nhà tài trợ cả tiền lẫn phương tiện vận chuyển cho EURO 2024 tại Đức. Điều thú vị là hãng xe Trung Quốc đã thay chân Hyundai, vốn cũng “bao” giải này, khi xe Hàn Quốc lên kế hoạch xâm nhập châu Âu từ 10 năm trước.
Cùng với các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm xóa bỏ ô nhiễm, cắt giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài, tạo ảnh hưởng trong cán cân thương mại và địa chính trị với các nền kinh tế lớn bằng xe xanh. Sự tăng trưởng nhanh chóng của BYD là một phần tất yếu trong sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là siêu cường công nghệ sạch của thế giới. Các công ty Trung Quốc phải thống trị chuỗi cung ứng tài nguyên, sản xuất và công nghệ quan trọng cho xe điện và pin cũng như năng lượng gió và mặt trời. Điều tất yếu tiếp theo, như giới quan sát nhìn nhận; BYD cũng như nhiều hãng xe xanh của Trung Quốc khác phải có sự hiện diện tại mọi quốc gia có liên quan, mà doanh số hay thị phần không phải là tất cả. Không hiếm gặp các hình ảnh chính khách gắn với các sự kiện của hãng xe Trung Quốc.!
Tuy nhiên việc BYD trở thành một công ty đa quốc gia trong thời gian rất ngắn cũng không đơn giản. Càng ngày quốc tế càng đẩy mạnh “giám sát” sự trỗi dậy của Trung Quốc về an ninh với ưu thế vượt trội về công nghệ và chuỗi cung ứng. Mối đe dọa chi phối với các doanh nghiệp đối thủ tại thị trường địa phương. Các rào cản về thuế và hạ tầng bắt đầu được dựng lên để gây khó. Những lo ngại này, cũng như sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặt ra câu hỏi về giai đoạn tiếp theo của BYD. Họ sẽ khôn khéo né tránh bằng tận dụng các vùng hiệp định thuế quan ưu đãi, bán xe giá cực rẻ, tung ra sản phẩm sáng tạo vượt trội, đầu tư trọng điểm..!? Có lẽ vấn đề chỉ là tùy thuộc vào mức độ quan trọng của quốc gia mà BYD xuất hiện.