Dây an toàn, túi khí - những thứ thừa thãi với nhiều khách Việt
Thứ tư 30/10/2019 7:30 AM GMT+7Luôn thắt dây an toàn khi lên xe. Ảnh: RAC
Đó là với những tai nạn có nguy cơ tử vong. Với những chấn thương nghiêm trọng, tỉ lệ này là 50%. Ở vị trí hàng ghế phía sau, việc thắt dây an toàn đúng cách có thể giúp giảm nguy cơ tử vong tốt hơn tới 73% so với việc người dùng không sử dụng chúng, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới.
Các hãng luôn không ngừng cải tiến khiến ôtô trở nên an toàn hơn, nhưng tất cả sẽ trở nên vô nghĩa nếu một bộ phận khách hàng vẫn chủ quan với "niềm tin" rằng: sẽ không có chuyện gì đâu.
Trong những bài kiểm tra an toàn khắt khe nhất từ Viện bảo hiểm an toàn giao thông đường bộ Mỹ (IIHS) hay Chương trình đánh giá xe mới của Châu Âu (EURO NCAP), túi khí chỉ phát huy tác dụng tối ưu trong trường hợp mọi hành khách (hình nộm mô phỏng) trên xe thắt dây an toàn.
Một số hãng xe thiết kế túi khí chỉ được kích hoạt khi chiếc xe phát hiện người ngồi bên trong có thắt dây. Ở một va chạm trực diện từ tốc độ 54 km/h, nếu không thắt dây, phần ngực của hành khách sẽ chịu toàn bộ lực va đập từ khoang xe, động cơ và phần nội thất phía trước dội lại. Với dải tốc độ cao hơn, họ có thể bị văng ra ngoài nếu cánh cửa bị bung. Nhiệm vụ của hệ thống đai an toàn là giữ hành khách cố định, tự động siết chặt khi nhận ra gia tốc thay đổi đột ngột. Với tốc độ bung vào khoảng 300 km/h, dây an toàn cũng bảo vệ chính hành khách khỏi lực bung cực mạnh của túi khí.
Thực tế diễn ra hàng ngày, rất nhiều khách hàng Việt không thắt dây vì nghĩ rằng ngồi trong ôtô là an toàn tuyệt đối hay thậm chí chỉ vì sợ người khác chê cười. Theo nghiên cứu của Toyota Nhật Bản, tỷ lệ người đi ôtô và thắt dây an toàn ở Việt Nam chỉ là 20%.
Số khác với suy nghĩ còn lệch lạc hơn cho rằng chỉ cần người ngồi trước thắt dây để đối phó với cảnh sát giao thông, người ngồi sau không cần thắt. Khách có thể quan tâm xe có bao nhiêu túi khí nhưng ít khi tìm hiểu chúng hoạt động ra sao. Mua tấm phủ bảo vệ táp-lô không mang lại nhiều lợi ích, nhưng khi xảy ra va chạm, chúng sẽ trở thành vật cản trở túi khí bung. Nhà sản xuất cũng luôn khuyến cáo khách hàng không bao giờ đặt bất kì vật gì trên khu vực này, đặt biệt là các vật cứng như kim loại hay pha lê, bởi chúng có nguy cơ vỡ thành từng mảnh khi va chạm đủ mạnh. Khi đó những thứ được cho là may mắn hay trang trí sẽ trở thành vật sát thương nguy hiểm đối với hành khách trong xe.
Ôtô ngày này được hỗ trợ bởi một loạt những công nghệ an toàn chủ động tiên tiến. Chúng giúp cho chiếc xe giảm được nguy cơ va chạm nhờ vào can thiệp sớm và nhanh hơn so với phản xạ và khả năng xử lý của con người. Trong những trường hợp các hệ thống an toàn chủ động đã hoàn toàn không còn tác dụng, va chạm xảy ra, thì dây an toàn và túi khí là các thiết bị an toàn bị động cuối cùng được kích hoạt để giảm thiểu thương vong cho hành khách.
Xe sẽ an toàn hơn khi có nhiều túi khí. Ảnh: Takata
Ngoài việc tuân thủ những quy định cơ bản nhất về lái xe an toàn, mua thêm những gói bảo hiểm tai nạn, rủi ro luôn là những quyết định sáng suốt của mỗi chủ sở hữu xe. Với những dòng xe hạng sang, việc này càng cần thiết bởi va quệt gần như rất khó tránh đối với hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Nhiều khách hàng không có niềm tin ở các công ty bảo hiểm bởi thủ tục khai báo tai nạn rườm rà, đôi khi từ chối bảo hiểm và tìm cách đẩy trách nhiệm cho hai bên gây ra va chạm. Nhưng nếu cố gắng dành chút thời gian để xem xét những điều kiện trong hợp đồng bảo hiểm, họ sẽ tránh được những phiền phức không đáng có sau này.
Quy trình mua bảo hiểm cho xe mới hiện nay hầu như do các đại lý giới thiệu cho khách hàng. Thông thường, các nhân viên bảo hiểm sẽ trích lại một phần hoa hồng cho nhân viên của đại lý đó. Nếu khách hàng khéo léo, họ sẽ có được mức giá tốt hơn so với báo giá ban đầu, thường vào khoảng 5-10%.
Nhưng giá cả không hẳn là lý do khiến khách hàng quyết định mua hay không mua bảo hiểm. Thứ người dùng quan tâm nhất vẫn là dịch vụ của công ty bảo hiểm đó như thế nào. Chỉ khi có va chạm xảy ra, mọi thứ mới vỡ lẽ. Khách hàng sẽ dễ dàng tiếp tục gắn bó với các gói bảo hiểm trong tương lai hoặc các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm sẽ rất khó để thuyết phục các thượng đế thêm một lần nữa.
Dù cho quyết định của bạn là mua hay không mua bảo hiểm cho xe, việc đầu tiên cần quan tâm là bảo vệ chính mình. Đừng bao giờ từ chối thắt một sợi dây đai 3 điểm bởi nó có thể cứu sống bạn bất cứ lúc nào.
Theo VnExpress