Ô tô Malaysia thống trị thị trường nội địa, có nên kỳ vọng vào VinFast tại Việt Nam?
Thứ hai 06/04/2020 00:59 GMT+7Chuyên trang ô tô Paultan mới đây đã khiến nhiều người phải thực sự “giật mình” khi công bố số liệu thống kê về doanh số bán xe tại thị trường ô tô Malaysia. Theo đó, một thực tế có lẽ rất “khó tin” khi hai hãng xe nội địa Malaysia là Proton và Perodua “thống lĩnh” hoàn toàn thị trường nước này trong thập kỷ vừa qua, chứ không phải những thương hiệu ô tô “đình đám” thế giới như Toyota hay Honda.
Cụ thể, số liệu tổng hợp từ Paultan cho thấy, trong 10 năm từ 2010 đến hết 2019, hai thương hiệu xe của Malaysia chứng minh sự “bá đạo” khi đạt doanh số “cực khủng” hơn 3 triệu xe. Trong đó, Proton bán ra 1.129.450 xe và Perodua còn “khủng” hơn khi giao đến tay khách hàng trong nước 2.042.304 xe.
Hai hãng xe nội địa thống trị thị trường ô tô Malaysia, vượt mặt Honda và Toyota. Ảnh: Paultan
Những con số trên thậm chí còn “giá trị” hơn nếu biết rằng cũng trong 10 năm qua, tại Malaysia hai “ông lớn” ngành ô tô Nhật Bản và thế giới là Toyota và Honda chỉ bán ra lần lượt 840.000 xe và 725.000 xe. Tính cộng dồn, doanh số của Honda và Toyota chưa bằng phân nửa doanh số gộp của Proton và Perodua.
Chưa hết, sự thống trị của hai hãng xe Malaysia còn thể hiện trong bảng xếp hạng 10 mẫu xe bán chạy nhất tại nước này 10 năm qua. Theo đó, có đến 7/10 mẫu xe thuộc “biên chế” của Proton và perodua góp mặt trong danh sách, gồm 3 mẫu xe Proton (Saga, Persona, Exora) và 4 mẫu xe Perodua (Myvi, Axia/Viva, Alza, Bezza). Honda và Toyota chỉ kịp “đóng góp” 3 đại diện gồm Honda City, Toyota Vios và mẫu bán tải Toyota Hilux. Đáng nói, 3 mẫu xe này chỉ xếp ở nửa sau bảng xếp hạng doanh số.
Hai hãng xe Proton và Perodua đóng góp đến 7/10 mẫu xe bán chạy nhất thị trường Malaysia thập kỉ qua
Rõ ràng, nếu nhìn vào sự thống trị của những thương hiệu xe nội địa tại Malaysia 10 năm qua, người Việt hẳn khó tránh khỏi sự “ngậm ngùi” khi nghĩ đến thị trường ô tô trong nước. Ngành ô tô Việt Nam cũng đã từng “bao phen” kì vọng vào một thương hiệu xe nội địa như nước bạn. Nhưng thất bại liên tiếp của những thương hiệu xe “Made in Viet Nam” từ “sơ khai” nhất như Chiến Thắng, La Dalat hay gần đây là Vinaxuki đã phần nào “bào mòn” sự kỳ vọng từ “thuở hồng hoang” ấy.
Thực tế, giấc mơ ô tô Việt đã “nhen nhóm” trở lại những năm gần đây với sự xuất hiện của hãng xe VinFast. Thương hiệu ô tô được “hậu thuẫn” bởi một tập đoàn kinh tế và đang phần nào cho thấy tham vọng bởi hàng loạt bước đi táo bạo: từ tiến độ xây dựng nhà máy và chiến lược phát triển sản phẩm “thần tốc" đến màn “chào hàng” thế giới đầy ấn tượng tại Paris Motorshow 2018; cùng với đó là hàng loạt chính sách bán hàng “có một không hai” với nhiều chiến dịch ưu đãi, kích cầu tiêu dùng. Nhưng với những “trang sử đượm buồn” của ngành ô tô trong nước, liệu khách Việt có đặt kỳ vọng vào VinFast?
Dẫu vẫn còn nhiều hoài nghi nhưng có lẽ người Việt nên đặt niềm tin vào VinFast?
Rất khó có câu trả lời vào thời điểm này. Bởi với những “nước cờ” táo bạo trong thời gian qua, VinFast dù thành công trên “mặt trận marketing”, nhưng bên cạnh những quan điểm ủng hộ cũng có không ít hoài nghi về chất lượng sản phẩm. Những yếu tố này, có lẽ chỉ có thời gian mới có thể trả lời chính xác nhất. Dẫu vậy, nếu nhìn vào thành công của Proton và Perodua hôm nay, và nếu biết rằng lịch sử phát triển của hai hãng xe nội địa Malaysia cũng đầy những “khúc khuỷu”. Có lẽ người Việt cần thêm một chút lạc quan để thêm một lần “cởi mở” với “giấc mơ xe Việt”.
Hơn nữa, doanh số khá ấn tượng (khoảng 17.000 xe) trong nửa cuối năm 2019 (theo số liệu báo cáo bán hàng từ VinFast), cùng với đó là kế hoạch ra mắt thêm những dòng xe mới nhằm đa dạng hóa danh mục sản phẩm trong thời gian tới của VinFast sẽ là cơ sở khả dĩ cho niềm tin ấy. Dẫu biết kỳ vọng/hy vọng dễ kèm theo thất vọng!
Theo Thanh niên