Ô tô bán kiểu “bia kèm lạc”: Làm ăn chộp giật, đặc trưng thị trường xe Việt
Thứ sáu 15/04/2022 10:49 GMT+7Hyundai Tucson thế hệ mới đang bị các đại lý bán chênh cao nhất đến 70 triệu so với giá niêm yết mà chưa chắc khách hàng đã được lấy xe ngay.
“Bia kèm lạc”- chuyện muôn thuở ở Việt Nam
Câu chuyện bán "bia kèm lạc" những ngày gần đây lại trở nên nóng bỏng khi thị trường ô tô trong nước đang trên đà hồi phục, nhu cầu của thị trường tăng cao và nhiều mẫu xe mới được các hãng cấp tập ra mắt.
Theo ghi nhận của PV VietNamNet, hàng loạt mẫu xe hot hiện nay như Hyundai SantaFe, Tucson, Creta... mới ra mắt đang được các đại lý báo giá với giá chênh từ vài chục đến cả trăm triệu so với giá niêm yết.
Đơn cử như một đại lý Hyundai tại Hà Nội đang chào bán Hyundai Tucson phiên bản tiêu chuẩn với giá 885 triệu đồng, cao hơn niêm yết 40 triệu đồng; phiên bản Turbo 1.6L đang bị bán chênh 50 triệu đồng kéo giá xe tại đại lý lên đến 1,070 tỷ đồng. Còn Tucson bản xăng và dầu đặc biệt còn chênh lên đến 60-70 triệu đồng.
Hay một đại lý uỷ quyền của Toyota Việt Nam tại TP. HCM chào bán Toyota Veloz Cross cũng đề nghị khách thêm "lạc" tuy nhiên khoản chênh giá của Toyota có kèm theo một số phụ kiện với giá trị khoảng 40-60 triệu đồng. Theo lý giải từ đại lý, hiện phiên bản Top của mẫu xe nhập từ Thái Lan này đang về rất ít nên không có xe để giao.
Chia sẻ về câu chuyện của mình với Vietnamnet, anh Nguyễn Quân ở TP.HCM kể, khi anh đặt hàng thì sale (nhân viên bán hàng) của Toyota báo giá theo niêm yết nhưng "hẹn mồm" khoảng 5-6 tháng sau mới có xe. "Nếu khách hàng thắc mắc vì sao lâu vậy, họ sẽ nói do mình đặt sau nên phải thời điểm đó mới đến lượt. Thế nhưng, sale tiết lộ là ở đại lý vừa có một người khác đặt hàng lâu rồi nhưng rút cọc, có điều xe này đã lắp sẵn gói phụ kiện 100 triệu rồi. Nếu chấp nhận lấy lại chính chiếc xe trên cộng với giá phụ kiện đã lắp thì sẽ được lấy xe ngay”, anh Quân kể.
Veloz Cross là mẫu xe thời gian qua bị nhiều khách hàng "tố" là bán kênh giá với giá cắt cổ.
Mới đây, Toyota Việt Nam đã ra văn bản khẳng định, đây không phải là chủ trương của hãng và chính sách của Toyota luôn nhất quán là “khách hàng đến trước được phục vụ trước”.
“Toyota yêu cầu tất cả các đại lý tuân thủ chính sách để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Nếu xảy ra hiện tượng trên, khách hàng hãy phản ánh cho Toyota Việt Nam vào đường dây nóng, chúng tôi sẽ tiếp nhận và có biện pháp xử lý nếu phát hiện bất kỳ vi phạm nào từ đại lý”, đại diện Toyota Việt Nam cho hay.
Trước đó, vào cuối 2020 và đầu năm 2021, khi mẫu xe nhập khẩu Toyota Corolla Cross bị thiếu nguồn hàng cũng bị nhiều đại lý đẩy giá lên cao, kèm theo đó là hàng loạt phụ kiện được "gợi ý" lắp thêm nếu muốn lấy xe sớm. Toyota cũng từng tuyên bố sẽ "xử" đại lý bán xe "kèm lạc", song hầu như không có đại lý nào hãng xe này "xử".
Không có lửa, sao có khói?
Thực tế, câu chuyện mua bán ô tô kiểu “bia kèm lạc” đã xảy ra trên thị trường Việt Nam từ rất nhiều năm trước, với nguồn cơn từ một số mẫu xe của Toyota. Hay cả với xe máy Honda.
Lúc đó, khách hàng mua xe được thông báo phải chờ “một thời gian dài” mới có xe hoặc buộc phải mua phụ kiện như trải sàn, dán kính, màn hình, camera,... mà đại lý vẽ thêm với giá "cắt cổ". Thay vì đợi, nhiều khách hàng chấp nhận mua thêm phụ kiện từ người bán để sớm có xe.
Nhiều chuyên gia về thị trường nhận định, việc bán ô tô “bia kèm lạc” là kiểu chộp giật, trục lợi trên nhu cầu của khách hàng đương nhiên là rất đáng lên án. Tuy vậy, nếu khách hàng không quá “cuồng” một mẫu xe hay thương hiệu nào đó thì chắc chắn các đại lý cũng không có cơ hội bán thêm “lạc”.
Trao đổi với VietNamNet, PGS.TS Ngô Trí Long thẳng thắn nhận định, việc bán thêm các phụ kiện theo xe là quyền của người bán, còn chấp nhận mua xe lại là quyền của người mua. Việc này hoàn toàn dựa trên cung-cầu của thị trường “thuận mua vừa bán” chứ khó có thể nói là đại lý ép khách hàng mua được.
“Ô tô có phải phân phối, bao cấp hay thuộc mặt hàng khan hiếm đâu? Hiện nay có hàng chục mẫu ô tô khác nhau để khách hàng lựa chọn. Nếu anh dùng 'chiêu trò' mà tôi cảm thấy không ưng thì tôi có thể chuyển sang hãng khác, thương hiệu khác. Còn vẫn nhất định chọn mua dòng xe mà mình yêu thích thì phải chấp nhận ”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Khách hàng hiện nay có rất nhiều sự lựa chọn khác chứ không nhất thiết phải "đóng đinh" với một mẫu xe hoạc một hãng xe nhất định.
Theo góc nhìn từ người bán, chuyên gia marketing Nguyễn Văn Phương cho rằng, đại lý và các nhân viên bán hàng đang dùng “chiêu” khan hiếm để đánh vào tâm lý và hành vi mua hàng của khách hàng, nhất là đối với một số mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ được hưởng lệ phí trước bạ 50% trong thời gian ngắn nữa.
"Dù có đúng là khan hiếm thật hay chỉ là chiêu trò thì việc đẩy giá sản phẩm lên cao hoặc bán “bia kèm lạc” sẽ ảnh hưởng lớn đến thương hiệu của các hãng xe. Nhìn xa ra, chúng ta có thể thấy điểm yếu của thị trường ô tô Việt Nam là nhỏ và thiếu tính chủ động khiến chính các hãng xe cũng không quyết định được nguồn cung và giá sản phẩm của mình", ông Phương chia sẻ với VietNamnet.
Vị chuyên gia này cũng đưa ra lời khuyên cho khách hàng là không nên chạy theo thị hiếu đám đông và suy nghĩ kỹ trước khi quyết định "mua thêm lạc". Ngoài ra, khi ký kết hay đặt cọc xe cần hết chú ý đến nội dung trong hợp đồng như giá bán, thời gian giao xe, phương thức thanh toán,... bởi các đại lý thường sẽ "lái" các điều khoản theo hướng có lợi cho mình.
Theo Vietnamnet