Ngành ô tô gỡ thế khó cho tăng trưởng
Chủ nhật 19/01/2020 21:25 GMT+7“Nếu mọi năm quý IV là quý mang lại lợi nhuận cao nhất thì năm 2019, do cạnh tranh khốc liệt, nhiều đại lý giảm giá mạnh dẫn đến lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng”, ông Dũng nói.
Bước sang năm 2020, Chủ tịch Haxaco kỳ vọng, Công ty sẽ tăng trưởng tốt đến từ 3 yếu tố: Thứ nhất, các xưởng sửa chữa của Haxaco đều hoạt động ổn định, tỷ lệ lấp đầy khách hàng cao; thứ hai, nhà sản xuất Mercedes đưa ra các mẫu xe mới được khách hàng ưa chuộng, giúp nhà phân phối như Haxaco thuận lợi hơn; thứ ba, Haxaco vừa thành lập 2 bộ phận cho thuê xe sang ở miền Bắc và miền Nam, hứa hẹn mang lại nguồn doanh thu, lợi nhuận trong dài hạn.
Năm nay, việc xe nhập khẩu về Việt Nam thuận lợi hơn cũng là đòn bẩy giúp các doanh nghiệp phân phối tăng trưởng.
Báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, tính đến hết tháng 12/2019, doanh số bán hàng của xe lắp ráp trong nước giảm 12%, trong khi xe nhập khẩu tăng 82% so với cùng kỳ năm 2018.
Toàn thị trường tiêu thụ hơn 322.000 xe ô tô trong năm 2019, tăng 12% so với năm 2018.
Mới đây, Tập đoàn Thành Công đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với Tập đoàn Hwashin (Hàn Quốc) xây dựng nhà máy Thành Công Hwashin để sản xuất linh kiện ô tô. Dự kiến nhà máy sẽ đi vào vận hành vào tháng 6/2020.
Lãnh đạo Tập đoàn Thành Công nhìn nhận, cuộc chiến giữa ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước với xe nhập khẩu sẽ ngày càng khốc liệt, đặc biệt trong bối xe nhập khẩu có nhiều lợi thế hơn, lấn át xe trong nước.
Năm 2020, một số chính sách sẽ được điều chỉnh theo hướng gỡ khó cho doanh nghiệp. Thông tin mới nhất, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Nghị định 125 về thuế nhập khẩu linh phụ kiện ô tô theo hướng bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với doanh nghiệp lắp ráp đủ điều kiện về sản lượng riêng từng mẫu xe và sản lượng chung của doanh nghiệp.
Dự kiến nghị định sửa đổi sẽ được trình Chính phủ thông qua và Quốc hội phê chuẩn trong 6 tháng cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ sớm ban hành văn bản sửa đổi một số tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, trong đó ô tô nhập khẩu sẽ được kiểm tra theo kiểu loại, thay vì kiểm tra theo lô như hiện hành, đồng thời chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, phù hợp với hoạt động của thị trường ô tô hiện tại.
Công ty Chứng khoán Asean (SeASecurities) trong bản báo cáo phân tích về triển vọng ngành ô tô năm 2020 dự báo, nguồn cung ôtô sẽ tiếp tục dồi dào do lượng nhập khẩu có xu hướng tăng trở lại nhờ Hiệp định ATIGA.
Ngành ô tô Việt Nam đang có lợi thế trong xu thế dịch chuyển sản xuất ô tô từ châu Mỹ và châu Âu sang châu Á, trong khi Việt Nam tham gia ngày một sâu hơn vào chuỗi cung ứng ô tô khu vực.
Đặc biệt, thị trường tiêu thụ ô tô Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng, thời kỳ phổ cập hóa ô tô tại Việt Nam có thể diễn ra từ năm 2025.
Cùng với đó, Chính phủ đang thể hiện quyết tâm trong phát triển ngành công nghiệp ô tô nội địa.
“Tuy nhiên, ngành ô tô Việt Nam đang gặp áp lực cạnh tranh của xe nhập khẩu nguyên chiếc, khi mà Thái Lan và Indonesia đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới. Trong khi đó, chính sách liên quan đến ngành ô tô của Việt Nam cũng chưa ổn định và đồng bộ, nên chưa hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp ngành này”, SeASecurities nhận định.