HOTLINE: +84 913.135.453

Không thi xe số tự động - lỗ hổng cấp bằng lái tại Việt Nam

Autopress.vn - Ở các nước phát triển, người tham gia đều được tùy chọn học lái xe bằng xe số sàn hay số tự động để khi ra đường điều khiển đúng loại xe mình thi.

Chỉ chưa đầy một tuần mà liên tiếp những vụ tai nạn xe hơi húc ủi hàng loạt xe máy dẫn tới tử vong. Đầu tiên là vụ chiếc bán tải trên đường Phạm Hùng (Hà Nội) cuốn một người phụ nữ vào gầm khiến người này tử vong tại chỗ. Rồi hôm 20/10 lại thêm vụ tài xế nữ ở Đăk Lăk mới lấy bằng lái 2 ngày mượn xe chở bạn đi chơi tông lên vỉa hè khiến 2 người chết, 8 người bị thương. Thậm chí, một anh đi xe máy đúng làn đường, đội mũ bảo hiểm loại tốt vẫn bị ôtô ở làn đối diện đâm thẳng dẫn tới tử vong cũng ở Hà Nội chiều 21/10.

Những vụ tai nạn trên do đâu mà ra? Theo phần lớn thông tin thì đều do chủ quan từ tài xế, không phải bị động do đường xấu, trời mưa bão hay những yếu tố khách quan khác. Những cái chết thương tâm của người vô tội khiến tôi nghĩ, phải chăng việc cấp bằng lái ôtô tại Việt Nam đang quá dễ dãi và lỏng lẻo?

học lái xeẢnh:hoclaixeototphcm.net

Mà thiết thực nhất chính là việc tách rời xe số tự động và xe số sàn khi tập lái. Với những lái mới, chuyện nhầm chân ga chân phanh là hết sức bình thường, dù là chạy xe loại nào đi chăng nữa. Nhưng hầu hết đều xảy ra ở số tự động, bởi trong các tình huống bất ngờ, nếu chạy số sàn tài xế sẽ có phản ứng đạp cả hai chân dúi dụi, khi đó có đạp nhầm chân ga thì côn cũng đã cắt, thiệt hại sẽ giảm đáng kể.

Vậy tại sao chỉ học xe số sàn mà chạy cả xe số tự động?

Theo cá nhân tôi đây chính là lỗ hổng trong việc cấp bằng lái tại Việt Nam. Chưa nói tới hệ thống câu hỏi thiếu thực tiễn, thi sa hình quá đơn giản hay những tiêu cực ngoài lề, không dạy xe số tự động là một thiếu sót. Ở các nước tiên tiến như Nhật Bản, Australia, họ đều có tùy chọn cho học viên khi thi bằng lái xe, học số sàn hay số tự động. Nếu người học xe số tự động thì ra đường chỉ được chạy loại xe đó. 

Tính đơn giản khi điều khiển bằng một chân, không sợ chết máy, không cần vào số khiến nhiều người lái xe số tự động chủ quan, đặc biệt với những người mới lấy bằng lái.

Đầu tiên là kiểu lái xe số tự động bằng hai chân. Thói quen khi ngồi xe tập bê nguyên lên xe số tự động vì cả hai chân đều được "đạp". Nhưng cách lái này chỉ áp dụng cho tay đua trong trường đua, còn ngoài đường phố, làm như thế không nhanh hơn, đồng thời còn dễ tai nạn khi cuống cuồng đạp cả hai chân, mà khi đạp ga quá mạnh thì phanh mất tác dụng.

Thứ nữa là chưa hiểu hết nguyên lý của xe nhưng cứ tưởng mình thông hết rồi. Nếu cứ quen thói ở xe số sàn, thả hết phanh thật nhanh và chuyển sang chân ga là thảm họa khi lái số tự động, đặc biệt khi đường tắc, không hôn "mông" xe khác là may mắn rồi. Hãy từ từ nhả phanh, cảm nhận độ chuyển động ban đầu của xe, chỉ chuyển hẳn sang chân ga khi cần vọt đi, còn không hãy chuyển về chân phanh mọi lúc.

Nếu những cơ quan chịu trách nhiệm cấp bằng lái để ý hơn, thì tốt nhất nên có thêm phần học chạy xe số tự động. Tại sao lại không khi mà hiện nay, từ xe nhỏ hạng A, B đến những xe sang đều có trang bị số tự động?

Các bài thi nên có thêm nhiều tình huống thay đổi tốc độ liên tục để người lái xe số tự động di chuyển giữa chân ga và chân phanh nhuần nhuyễn. Khi nào để N, khi nào chuyển về P, các cấp số bán tự động thì dùng cho trường hợp nào... Những câu hỏi thêm hoặc bài thi này không quá lớn nhưng rất cần thiết để xác định người nào đó có thực sự phù hợp để cấp bằng hay không.

Còn với những bạn trẻ mới lấy bằng lái, có một kinh nghiệm mà có thể các bạn đã biết rồi, đó là chân luôn để chữ V, bất cứ khi nào không ga phải lập tức chuyển sang phanh dù có đạp phanh hay không. Với những bạn chưa biết, thì chữ V ở đây tức là bàn chân để tư thế đạp thẳng vào phanh, khi muốn đạp ga dùng gót chân làm trụ, xoay mũi chân về phía pedal ga và đạp mớm, chứ không nhấc hẳn chân chuyển vị trí. Dù đang đạp ga và gặp tình huống bất ngờ thì phản ứng tự nhiên sẽ đưa chân về vị trí thẳng chân phanh ban đầu và đạp dúi dụi. Nếu chịu khó học hỏi, quan sát, chắn chắn sẽ không có những bài báo thương tâm như đầu bài viết tôi đã nói.

(Nguồn: vnexpress)

KÉO TIẾP ĐỂ XEM NỘI DUNG ...

Thoát