Giảm 400 triệu, nội địa hóa 60%, giá ô tô Việt còn rẻ nữa
Thứ sáu 10/05/2019 03:15 GMT+7Một đại lý Nissan ở hà Nội khá vắng khách trong những ngày đầu tháng 5.
Việc giảm giá mạnh trong những tháng gần đây không còn quá xa lạ đối với người tiêu dùng. Đồng loạt các thương hiệu xe sản xuất, lắp ráp trong nước hay nhập khẩu nước ngoài đều mạnh tay xuống giá những mẫu xe khiến cuộc chạy đua kích cầu trở nên khốc liệt hơn.
Đại lý muốn đẩy hàng ế, tồn kho
Khi thị trường xe hơi có dấu hiệu chậm lại và số lượng hàng ế, tồn kho ngày càng tăng, để đẩy hàng tồn, các nhà sản xuất và đại lý phân phối thường lui lợi nhuận, hạ giá xe để hấp dẫn người mua.
Đi đầu trong chiến lược giảm giá phải nói tới thương hiệu Mazda giảm suốt từ tháng 3, tháng 4 và kéo dài sang tháng 5 này khiến khách hàng cũng phải “giật mình”. Tiếp theo, các hãng Nissan, Ford, Mitsubishi, Toyota cũng chạy đua giảm giá ở nhiều mẫu. Ngay cả mẫu xe đắt khách nhất là Toyota Vios cũng có tên trong danh sách hạ giá với mức giảm từ 10 - 35 triệu đồng. Hoặc kể cả khi phí trước bạ xe bán tải tăng gấp 3 lần từ 10/4 thì cũng không ảnh tới chi phí mua xe của khách hàng bởi, đồng loạt các hãng bán tải đua nhau giảm giá chạy phí hoặc hỗ trợ phí cho khách.
Chia sẻ với PV Xe VietNamNet, anh Luân, người có kinh nghiệm lâu năm trong việc kinh doanh ô tô ở Hà Nội nhìn nhận: "Đây là câu chuyện của cung- cầu và mùa vụ. Từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm thường là những tháng thấp điểm của thị trường xe. Sau một dịp ồn ào tăng giá dịp Tết thì những mẫu xe phiên bản năm trước tồn lại không còn hot nữa nên các đại lý giảm giá".
"Tâm lý chung của toàn thị trường là các đại lý, các hãng đều muốn nhanh chóng đẩy hàng ế, bán nhanh, bán tháo những mẫu xe đời từ 2018 trở lại và cũng để tập trung cho các mẫu xe mới phiên bản năm 2019", anh Luân nói.
Minh chứng cho điều này, anh Quang Huy, trưởng phòng kinh doanh đại lý Nissan Hà Đông tiết lộ: "Nửa đầu tháng 4, mẫu xe Nissan Terra 7 chỗ bán khá chậm, bị tồn đọng đến 40 chiếc. Vì thế, đại lý đã áp dụng "bài" giảm giá (giảm tới 29 triệu đồng/chiếc) cùng một số khuyến mãi kèm theo để chào mời khách”
Cũng theo anh Huy, chiến lược giảm giá đã có tác dụng tức thì bởi sau khi công bố mức giảm, mẫu xe Nissan Terra nhanh chóng nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn hẳn.
Nhân viên một đại lý Mitsubishi ở Hà Nội cũng cho biết, trong tháng 3- 4, riêng mẫu Mitsubishi Outlander thường tồn đọng 2-3 chiếc/tháng nên cần giảm giá.
Theo nhân viên này phân tích, khi hàng loạt hãng xe bán tải khác và tình hình chung của thị trường đều giảm nhiệt thì đại lý Mitsubishi cũng buộc phải theo dòng thị trường, tung chiêu tương tự để giữ thị phần.
“Năm nay, nhiều thương hiệu mới, mẫu mới tham gia thị trường nên ngày càng càng tạo áp lực cho các đại lý. Vì thế, thị trường diễn ra cuộc đua giảm giá tranh giành thị phần là tất yếu", chị Thảo, nhân viên kinh doanh đại lý Toyota Pháp Vân, Hà Nội cũng chia sẻ.
Là người tiêu dùng thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường ô tô Việt, anh Nguyễn Việt, ở Long Biên, Hà Nội lại cho rằng: “Hàng loạt mẫu xe giảm giá khiến người tiêu dùng như chúng tôi thấy rất hấp dẫn. Nhưng một phần nào đó tôi cũng sợ những mẫu xe giảm giá khủng đến cả trăm triệu là xe bị lỗi, hàng ế”.
Xe nhập tăng cao, thuế ASEAN 0%, giá còn giảm nữa?
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 4/2019 vừa qua, thị trường Việt Nam nhập khẩu khoảng 13.000 xe, trị giá khoảng 256 triệu USD, tăng 2.000 xe (khoảng 18%) so với tháng 3/2019.
So với cùng kì năm ngoái, thời điểm các hãng chưa thể nhập khẩu xe do các thủ tục mới đối với ngành kinh doanh nhập khẩu ôtô, thì đến tháng 4/2019 vừa qua, thị trường Việt Nam đón nhận nguồn cung tăng kỉ lục 502,9% so với năm ngoái.
Sản xuất lắp ráp trong nước bị cạnh tranh bởi xe nhập khẩu.
Trong đó, các dòng xe miễn thuế từ ASEAN vẫn tiếp tục chiếm số lượng lớn, tới 90% trong phân khúc xe du lịch, đặc biệt là xe nhập từ Thái Lan, Indonesia... ồ ạt tràn về.
Cùng đó, thị trường xe Việt đã ghi nhận số mẫu chuyển từ lắp ráp trong nước sang nhập Thái Lan hoặc chuyển từ nhập Nhật Bản- thị trường có thuế cao- sang nhập Thái Lan, thị trường có thuế 0% đã dẫn tới các giảm sốc.
Giảm kỷ lục nhất lên tới 378 triệu đồng, tức gần 400 triệu là mẫu xe Subaru Forester thế hệ mới sắp về Việt Nam. Mẫu xe này trước đây nhập từ Nhật Bản thì tới đây, các nhà phân phối trong nước chuyển sang nhập từ Thái Lan, hưởng thuế 0%.
Hay như hãng Toyota cũng nhanh chóng tranh thủ chính sách thuế với chiến lược sẽ dừng sản xuất lắp ráp Toyota Camry trong nước và chuyển sang nhập khẩu từ Thái Lan. Mẫu Camry 2019 nhập Thái vừa ra mắt cũng giảm tới 100 triệu đồng so với bản trong nước.
Trao đổi với Chuyên trang Xe VietNamNet, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhìn nhận: "Giá xe giảm mạnh hiện nay đầu tiên là do vấn đề cung- cầu, cầu hiện nay thấp hơn cung. Nếu không giảm giá, không ai mua xe nên để bán được ở mùa thấp điểm, chắc chắn các hãng phải điều chỉnh giảm giá".
"Bên cạnh đó, đến thời điểm này các vướng mắc xung quanh Nghị định 116 về sản xuất lắp ráp và kinh doanh ô tô gần như được giải tỏa. Vì vậy, các hãng ô tô trong khu vực ASEAN đều đang rộng cửa xuất khẩu sang Việt Nam với thuế suất 0%. Nhà phân phối trong nước nhan chóng năm nay cơ hội này nên lượng cung xe nhập nguyên chiếc giá rẻ vào thị trường Việt ngày càng cao. Sức ép này tất yếu giúp giá xe tốt hơn", TS Ngô Trí Long nói.
“Một trong những lý do khác, theo tâm lý chung của người dùng, chất lượng xe lắp ráp ở Việt Nam vẫn được đánh giá là không bằng xe nguyên chiếc ở nước ngoài. Nắm bắt tâm lý này, thị trường tới đây sẽ còn tiếp tục hướng tới nhập khẩu nguyên chiếc từ nước ngoài để đáp ứng nhu cầu”, PGS, TS Ngô Trí Long cho biết thêm.
Trong tương lai, giá xe có thể còn hấp dẫn nữa! Bởi nân tố" mới0- Vinfast nổi lên là đối thủ đáng gờm cho các hãng còn lại.
Năm 2019, việc VinFast tuyên bố sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa từ 40% đến 60% vào năm 2020 và thực hiện chế tạo động cơ ngay tại Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, các mẫu xe của VinFast chắc chắn được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi thuế theo tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam. Chiến lược này đã và đang gây sức ép trên thị trường xe hơi, cho các nhà sản xuất xe hơi Việt Nam còn lại như Hyundai Thành Công, Thaco Trường Hải hay các hãng quen FDI như Honda, Toyota Việt Nam buộc phải suy tính bài toán tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm giá thành để cạnh tranh. Các chuyển biến này sẽ giúp giá xe Việt có thể được giảm đi, có lợi cho người tiêu dùng.
Theo Vietnanet