Đăng ký ô tô điện tại Việt Nam cần đáp ứng tiêu chuẩn gì?
Thứ năm 03/03/2022 10:20 AM GMT+7Để được lăn bánh ra đường, các yêu cầu về đăng kiểm ô tô điện tại Việt Nam cũng tương đương với ô tô chạy xăng hoặc dầu diesel.
Theo Khoản 17 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, ô tô điện nói riêng cũng như ô tô nói chung khi lưu thông trên đường, phải đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, kỹ thuật và bảo vệ môi trường gồm: Có đủ hệ thống hãm, hệ thống chuyển hướng có hiệu lực; Vô lăng nằm bên trái của xe, không có trường hợp ngoại lệ; Có đủ hệ thống đèn gồm: đèn chiếu sáng gần và xa; đèn soi biển số; đèn báo hãm; đèn tín hiệu; Bánh lốp đúng kích cỡ và tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất; Có đủ gương chiếu hậu và các trang, thiết bị bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển; Kính chắn gió, kính cửa được làm từ vật liệu an toàn; Còi có âm lượng đúng quy chuẩn kỹ thuật; Có đủ bộ phận giảm thanh, giảm khói và các trang, thiết bị hỗ trợ bảo đảm khí thải, tiếng ồn theo quy chuẩn môi trường...
Nhưng khác với phương tiện sử dụng động cơ đốt trong có quy trình đốt cháy nhiên liệu tạo ra khí thải gây ô nhiễm môi trường, ôtô điện sử dụng năng lượng điện nên sẽ được bỏ qua công đoạn kiểm tra hệ thống khí thải. Ngoài ra, Phụ lục II thuộc Thông tư 16/2021/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quy định ô tô điện được bổ sung thêm 6 hạng mục về kiểm tra trên dây chuyển đăng kiểm: Hệ thống lưu trữ Pin (RESS); Hệ thống quản lý RESS nếu được trang bị; Bộ chuyển đổi điện tử, động cơ và điều khiển thay đổi, dây điện và đầu nối; Động cơ kéo; Hệ thống sạc bên ngoài nếu được trang bị/ yêu cầu và Bộ phận kết nối đầu sạc trên xe.
Về chu kỳ đăng kiểm, ôtô điện sẽ thực hiện đăng kiểm tương tự như xe chạy xăng/dầu bình thường: Đối với các ô tô không tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ vận tải, chu kỳ đăng kiểm lần đầu là 30 tháng; từ lần thứ 2, chu kỳ rút ngắn còn 18 tháng; từ năm thứ 7 kể từ ngày sản xuất, chu kỳ đăng kiểm là 12 tháng; từ năm thứ 12, chu kỳ đăng kiểm còn 6 tháng.
Quy trình đăng kiểm bao gồm: Nộp hồ sơ (gồm giấy tờ đăng ký xe hoặc giấy hẹn cấp giấy đăng ký, bản sao phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng); khám xe với 5 công đoạn (kiểm tra nhận dạng tổng quát, kiểm tra phần trên của phương tiện, kiểm tra hiệu quả phanh và trượt ngang, kiểm tra môi trường, kiểm tra phần dưới của phương tiện); dán tem đăng kiểm (tem màu xanh dành cho xe không kinh doanh vận tải và tem màu vàng cam dành cho xe kinh doanh vận tải).
Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định rõ mức phạt hành chính từ 3 triệu đồng hoặc tạm giữ phương tiện trong 7 ngày trước khi ra quy định xử phạt đối với xe điện chưa được đăng kiểm hoặc quá hạn đăng kiểm nhưng vẫn lưu hành. Đồng thời, ôtô điện phải đăng ký và được cấp biển số bởi cơ quan chức năng nếu muốn tham gia giao thông. Đăng ký tạm thời có thể được cấp tạm thay thế nhưng chỉ có hiệu lực tối đa 30 ngày và bị giới hạn tuyến đường, phạm vi hoạt động.
Về Giấy phép lái xe: người điều khiển ô tô điện có thể sử dụng bằng lái xe hạng B1 trở lên và không cần bằng lái riêng biệt. Trong trường hợp người lái quên giấy phép lái xe sẽ bị phạt hành chính từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng, còn nếu sử dụng ô tô điện không có giấy phép lái xe, người điều khiển bị phạt tối đa tới 6 triệu đồng.
Một điều đáng quan tâm, nhìn lại các yêu cầu, tiêu chuẩn đối với phương tiện xe cơ giới nói chung tại Việt Nam hiện nay đang tụt hậu quá xa so với các nước khác trên thế giới khi mà các hạng mục, tiêu chuẩn yêu cầu đối với ô tô khi ra đường còn quá sơ sài, chưa có những tiêu chí, trang thiết bị bắt buộc để đảm bảo an toàn không chỉ cho người lái và hành khách. Những hạng mục tưởng chừng đơn giản nhất những vẫn chưa có trong yêu cầu cần phải có như phanh ABS, túi khí, hệ thống bảo vệ người đi đường, hệ thống ổn định thân xe điện tử...
Trong khi đó, các quốc gia trên thế giới đã có những yêu cầu khắt khe hơn để đảm bảo an toàn; như ở Mỹ, ô tô mới phải trang bị hàng loạt tính năng toàn chủ động và đáp ứng hàng trăm tiêu chuẩn để được bán ra, cũng như đăng ký biển số.
Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan cũng đặt ra những tiêu chuẩn đăng kiểm về hệ thống an toàn chủ động và bị động, điển hình như: Chống bó cứng phanh ABS, ổn định thân xe điện tử ESC, tín hiệu phanh khẩn cấp...Chính phủ Malaysia cũng áp dụng những quy định bắt buộc về việc dán nhãn ASEAN NCAP cho ô tô bán ra tại đây từ năm 2020, nhằm cung cấp thông tin cụ thể về hệ thống an toàn cho người tiêu dùng.
Theo VNMedia