2 kịch bản mới cho ô tô nhập khẩu
Thứ bảy 17/03/2018 01:00 GMT+7Tưởng chừng việc nhập khẩu ô tô sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn thì mới đây lại có tín hiệu tích cực từ Bộ GTVT .
Phương án mới
Bộ GTVT vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ về tình hình triển khai Nghị định 116/2017 và Thông tư 03/2018 liên quan đến ô tô nhập khẩu. Tại văn bản này, Bộ GTVT đưa ra hai phương án sửa đổi các quy định vốn đang siết chặt ô tô nhập khẩu về Việt Nam.
Trong phương án 1, Bộ GTVT kiến nghị tiếp thu toàn bộ các kiến nghị doanh nghiệp (DN) sản xuất, lắp ráp xe hơi của Mỹ, Nhật Bản… Đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các nội dung tại Nghị định 116/2017.
Cụ thể là bỏ thủ tục giấy chứng nhận (GCN) chất lượng kiểu loại, sửa đổi phương thức kiểm tra theo từng lô, sửa đổi quy định đường thử ô tô phải có chiều dài tối thiểu 800 m nhằm tạo điều kiện thông thoáng cho nhập khẩu ô tô.
Đây là các thủ tục khiến các DN gặp khó trong suốt thời gian dài vừa qua. Ví dụ, các nhà nhập khẩu không thể có GCN chất lượng kiểu loại xe hơi do nhiều nước không cấp loại giấy này. Điều này đồng nghĩa không thể nhập khẩu ô tô khiến ô tô nhập khẩu khan hiếm, giá tăng cao.
Song song với đề nghị trên, Bộ GTVT cũng kiến nghị sửa đổi Thông tư 03/2018 theo hướng: Bỏ một số thủ tục về GCN linh kiện gương, lốp, kính, đèn chiếu sáng; rà soát đơn giản hóa quy trình, thủ tục hơn nữa cho phù hợp, tạo điều kiện thông thoáng cho nhập khẩu xe hơi.
Thời gian qua ô tô nhập khẩu nguyên chiếc khan hiếm, giá tăng cao do vướng Nghị định 116/2017 và Thông tư 03. Ảnh: QUANG HUY
Tuy nhiên, tại phương án 2, Bộ GTVT lại đề nghị trước mắt cần tiếp tục thực hiện nghiêm theo Nghị định 116 và Thông tư 03 trong một thời gian nữa. Nếu thực sự có vướng mắc bất cập đúng như phản ảnh của DN thì Chính phủ chỉ đạo các bộ sửa đổi, bổ sung.
“Vì các lô xe hơi vẫn được nhập về trong tháng 3-2018, chứng tỏ các quy định không gây khó dễ cho các nhà nhập khẩu. Mặt khác, các DN không thể nhập khẩu lô hàng có số lượng ít mà mỗi lô hàng nhập khẩu ít nhất phải hàng trăm xe, do đó việc lấy một mẫu xe trong lô hàng nhập khẩu để kiểm định không làm phát sinh chi phí đáng kể cho DN nhập khẩu” - Bộ GTVT lập luận.
Nếu cởi trói, giá ô tô sẽ giảm mạnh
Trước hai phương án của Bộ GTVT, bà Nguyễn Thị Hiền, phụ trách hệ thống ô tô đã qua sử dụng của Toyota, đánh giá: Việc sửa đổi Nghị định 116 và Thông tư 03 theo phương án 1 không chỉ giúp DN giảm chi phí mà còn tạo thuận lợi cho việc nhập khẩu ô tô.
“Khi đó ô tô nhập khẩu về nhiều, ngân sách tăng thu chứ không giảm sốc như thời gian gần đây. Bằng chứng việc siết nhập khẩu ô tô khiến trong hai tháng đầu năm 2018 ngân sách giảm khoảng 2.000 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái” - bà Hiền dẫn chứng.
Đồng quan điểm, đại diện hệ thống đại lý Hiền Toyota tại quận 1, TP.HCM cũng cho rằng: “Nếu nới lỏng các điều kiện về nhập khẩu giúp giảm chi phí, không tốn thời gian chờ đợi kiểm định thì giá mỗi chiếc xe chắc chắn giảm thêm. Ví dụ, hiện nay những mẫu xe hưởng thuế suất nhập khẩu 0% từ Thái Lan giảm giá khoảng 200 triệu đồng/xe, nếu sửa đổi theo hướng nới lỏng những quy định về kiểm tra từng lô hàng, đường thử giá xe có thể giảm thêm 60-70 triệu đồng/xe. Như vậy, mỗi xe nhập khẩu có thể giảm gần 300 triệu đồng” - bà Hiền phân tích.
Ông Trần Tấn, Giám đốc công ty nhập khẩu phân phối ô tô chính hãng tại TP.HCM, ủng hộ phương án 1 mà Bộ GTVT đưa ra vì giúp nhà nhập khẩu giảm được chi phí rất lớn. Ngược lại, nếu áp dụng phương án 2 là tiếp tục siết nhập khẩu thì sẽ tiếp tục làm khó ô tô.
Ông Tấn phân tích: “Nếu thực hiện theo phương án 2 thì nhà nhập khẩu không chỉ tốn phí kiểm định mà còn chi phí lưu kho, lưu bãi, vận chuyển xe. Đó là chưa kể phải mua bảo hiểm, rồi tiền nhân công, quản lý, thời gian DN phải chờ đợi để có kết quả kiểm định. Chi phí cho mỗi lô hàng mà DN phải bỏ ra cho các khoản này ít nhất 5.000-10.000 USD, tức làm tăng giá ô tô nhập khẩu”.
Vẫn còn ý kiến trái chiều
Ông Đức Trung, đại diện kinh doanh của đại lý ô tô Honda tại TP.HCM, ủng hộ việc nới lỏng Nghị định 116 về nhập khẩu ô tô. Ví dụ, chỉ cần thử nghiệm khí thải và an toàn cho lô hàng đầu tiên và chấp nhận báo cáo thử nghiệm cho các lô hàng tiếp theo như quy định trước đây mà không cần thử nghiệm lại như quy định tại Nghị định 116.
“Vì việc thử nghiệm đi thử nghiệm lại về khí thải, an toàn theo từng lô xe nhập khẩu cho dù chúng cùng một mẫu xe và thậm chí cùng thời gian sản xuất với các chỉ số như nhau là rất bất hợp lý, gây tốn kém không cần thiết” - ông Trung chia sẻ.
Tuy nhiên, một số công ty ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lại đề nghị nên tiếp tục thực hiện Nghị định 116/2017. Đại diện Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đánh giá Nghị định 116 ra đời nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn và quyền lợi người tiêu dùng; tạo sự cạnh tranh công bằng giữa nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước.
“Nghị định 116 không có quy định ưu đãi nào cho các công ty trong nước, chúng tôi cũng không xin ưu đãi. Hơn nữa, bản thân các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã bị kiểm tra từng chiếc xe, phải sang Nhật để kiểm tra chất lượng xe” - đại diện THACO nêu quan điểm.
Tương tự, đại diện một DN ô tô nội khác cũng nhận xét GCN chất lượng kiểu loại là rất cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm an toàn cho người sử dụng. Do vậy, không nên bỏ quy định này.
Có nhiều cách để bảo hộ xe trong nước
Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng nhìn nhận dùng thủ tục hành chính với những quy định siết ô tô nhập khẩu để bảo hộ ngành ô tô trong nước không phải là giải pháp căn cơ, bền vững. Bằng chứng là các nước ASEAN mà cụ thể là Thái Lan đã rất linh động để cấp GCN chất lượng kiểu loại xe xuất khẩu cho các hãng xe, tháo gỡ khó khăn về thủ tục nhập xe vào Việt Nam.
Tại một số nước trong khu vực ASEAN, việc nhập xe vào rất thuận tiện. Nhưng để bảo hộ xe trong nước, họ áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc thuế giá trị gia tăng cho xe nhập khẩu cao hơn xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
"Từ đó cho thấy Việt Nam vẫn có thể giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình cam kết hội nhập của các hiệp định tự do thương mại. Song dùng chính sách thuế, phí… để áp dụng đối với xe nhập" - ông Đồng đề xuất.
Theo CafeF